Chính sách tiền tệ: Linh hoạt, thận trọng
Vẫn còn đó thế lưỡng nan
Lạm phát đang có xu hướng tăng cao trên toàn cầu, một phần do giá xăng dầu tăng mạnh khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một phần cũng bởi các biện pháp kích thích tài khóa, tiền tệ mà nhiều quốc gia đã triển khai để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 thời gian trước. Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở dưới mức mục tiêu, song áp lực là rất lớn. Điều đó đã gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, thể hiện rõ nhất qua việc mặt bằng lãi suất huy động đang chịu sức ép tăng rất lớn. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục nỗ lực duy trì lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi... Chưa kể, “rủi ro tài chính có thể tăng lên khi nhìn vào những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình và điều này có thể kéo theo ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của đầu tư và tiêu dùng trong nước”, bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cảnh báo.
Ảnh minh họa |
Mặc dù tin tưởng kinh tế Việt Nam, với những nền tảng vững mạnh, dự trữ ngoại hối tốt… nên tác động từ bên ngoài vào có thể có nhưng sẽ không lớn; tuy nhiên, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cũng cho rằng, việc triển vọng tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế lớn suy giảm cộng hưởng với việc các NHTW lớn, điển hình là Fed, tiếp tục thắt chặt chính sách (qua tăng mạnh lãi suất) để đối phó với lạm phát sẽ tiếp tục gây ra áp lực hơn nữa với Việt Nam cả về xuất nhập khẩu, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, cán cân ngoại thương, lãi suất… “Áp lực điều hành của NHNN, vì thế tới đây cũng nặng nề hơn rất nhiều”, TS. Lê Duy Bình nói. Trong bối cảnh chịu nhiều áp lực “ba bề, bốn bên” như vậy, rõ ràng điều hành chính sách tiền tệ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khi nhìn lại bức tranh kinh tế 8 tháng với rất nhiều tín hiệu tích cực vừa qua, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đóng góp của chính sách tiền tệ là rất quan trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trải qua nhiều biến động khi lạm phát tăng cao và các NHTW lớn thắt chặt tiền tệ mạnh, việc giữ được lạm phát, tỷ giá, mặt bằng lãi suất trong nước tương đối ổn định, trong tầm kiểm soát là những yếu tố đóng góp tích cực để các hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, thuận lợi.
Không vì mục tiêu trước mắt
Việc điều hành linh hoạt, thận trọng, hài hòa và cân bằng mà NHNN theo đuổi trong suốt thời gian qua được các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước khuyến nghị cần tiếp tục duy trì. Đơn cử với tín dụng, nếu NHNN cho phép tăng “thoải mái” có thể thổi bùng lạm phát, trong khi nếu để lãi suất tăng (thuận chiều trước áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ của rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay) thì sẽ khiến doanh nghiệp, người dân càng khó khăn…
Đây là một bài toán khó đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ khi cùng một lúc phải hướng tới nhiều mục tiêu. Cũng chính bởi vậy, các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến nghị NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng và hài hòa để vừa góp phần giữ được ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ được nền kinh tế phục hồi, vượt qua những thách thức và bất định hiện nay, đặc biệt là đảm bảo được an toàn của hệ thống.
Đề xuất hướng điều hành trong thời gian tới, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh: “Trong bối cảnh cả bên trong và bên ngoài còn nhiều bất định hiện nay, NHNN và các cơ quan điều hành cần tập trung và có các giải pháp để giữ cho được các chỉ số chính của nền kinh tế tương đối ổn định, đồng thời có các giải pháp để chủ động thích nghi với khả năng các NHTW lớn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ và thắt chặt trong một giai đoạn có thể dài hơn dự kiến”.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng khuyến nghị, Việt Nam điều hành “thận trọng, linh hoạt và sẵn sàng hành động”. Bởi tình hình hiện nay đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu cung cấp hỗ trợ chính sách liên tục để củng cố sự phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang nổi lên.
“Do lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát và nền kinh tế vẫn dưới mức tiềm năng nên chính sách tiền tệ hiện hành vẫn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, áp lực lạm phát gia tăng đòi hỏi chính sách tiền tệ linh hoạt”, bà Dorsati Madani nói. Theo đó, nếu rủi ro tăng lạm phát xảy ra - với lạm phát cơ bản tăng tốc và lạm phát chung tăng mạnh vượt mức mục tiêu 4% - thì NHNN nên sẵn sàng chuyển hướng thắt chặt tiền tệ để dập tắt áp lực lạm phát thông qua tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản; đồng thời truyền thông rõ ràng về các quyết định được đưa ra.
Trong trung hạn, theo bà Dorsati Madani, những cải cách cơ bản hơn nhằm nâng cao khung chính sách tiền tệ và hướng tới lạm phát mục tiêu sẽ nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Cùng khuyến nghị như trên, báo cáo kết thúc tham vấn Điều khoản IV với Việt Nam của Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cho rằng, chính sách tiền tệ nên phụ thuộc vào dữ liệu, hướng tới tương lai và ngày càng cảnh giác trước áp lực lạm phát gia tăng. Bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn tham vấn Điều IV của IMF cảnh báo, sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và áp lực lạm phát gia tăng trong nước đang là các rủi ro lớn với Việt Nam hiện nay. “Nếu xuất hiện các áp lực lạm phát dai dẳng, NHNN nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng các yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát. Trong thời gian tới, chính sách tăng trưởng tín dụng nên cân bằng hợp lý giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính”, vị này đề xuất.
Còn trong trung và dài hạn, “công tác quản lý, giám sát khu vực tài chính cần được tăng cường để giải quyết những rủi ro đang nổi lên và xây dựng một hệ thống ngân hàng có khả năng chống chịu tốt hơn. Theo đó, khuôn khổ an toàn vĩ mô có thể đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo ổn định tài chính, trong khi các khuôn khổ về thể chế và phá sản nên được củng cố để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu”, theo báo cáo kết thúc tham vấn Điều IV của IMF.