Chính sách tiền tệ và tài khóa đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp
Tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023 và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao ngành Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngay từ những ngày đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 trong đó nhấn mạnh đến việc điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng cũng sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nguồn vốn ngân hàng tiếp tục được ưu tiên cho các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế |
Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nhằm bảo đảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%; tập trung triển khai chỉ đạo các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các TCTD này từng bước phục hồi.
Tại Hội nghị họp bàn thống nhất với các NHTM về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, các TCTD thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, đặc biệt, mức 9,5% này phải bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm. Việc làm này sẽ giúp các TCTD có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5-2%/năm. Đồng thời sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các TCTD.
Phát biểu tại cuộc họp này, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú lưu ý các NHTM giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí. Đồng thời đề nghị các NHTM tiếp tục quan tâm giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế… Các NHTM coi đây là trách nhiệm của ngân hàng mình.
Phó Thống đốc khẳng định, NHNN luôn hỗ trợ các TCTD vốn ngắn hạn cũng như vốn trung, dài hạn; đồng thời đảm bảo thanh khoản cho các NHTM.
Tuy vậy, trong bối cảnh vực dậy nền kinh tế, cần đồng bộ giữ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo mục tiêu chung vừa kiểm soát được lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước năm nay như mức áp dụng trong năm 2022. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2023. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023. Theo dự thảo nghị định, với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý I, quý II/2023 là khoảng 64.000 - 65.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, toàn ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương đã quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp tài chính - NSNN, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023. Theo đó, kiên định mục tiêu tổ chức thực hiện quyết liệt nhiệm vụ thu NSNN, phấn đấu tăng thu so với dự toán; điều hành chi theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả... Qua đó, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội quyết định, đồng thời có nguồn xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh.
Do đó, năm 2023 Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực thực hiện Chương trình, bảo đảm đáp ứng kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi của NSNN nói chung và thuộc Chương trình nói riêng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 dự báo tiếp tục là năm khó khăn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ việc gia hạn, kéo dài, giãn, hoãn thời gian nộp thuế, như chính sách đã thực hiện trong năm 2022, đồng thời đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, sẽ tiếp tục là cú hích, góp phần giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp. Việc tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp cũng như các vấn đề liên quan khác, góp phần đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết được lao động, tăng thu cho ngân sách và đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội.