Chờ “quả ngọt” cuộc cách mạng số hóa
Tăng tốc chuyển đổi số để đuổi kịp mục tiêu tăng trưởng | |
Hoàn thiện môi trường số để trở thành “khổng lồ” |
Ảnh minh họa |
Công nghệ thanh toán không tiếp xúc đã được nhiều NHTM triển khai vài năm trở lại đây và dịch vụ trên Mobile Banking đã phát triển ngoài mong đợi, nhưng với CB thì đây là “cuộc cách mạng số hóa” mạnh mẽ. Đại diện CB cho biết, việc ra mắt bộ đôi công nghệ của ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh cùng thẻ không chạm CB Connect24 sẽ “đánh thức” hàng trăm ngàn tài khoản ngủ đông thời gian qua vốn đang tồn tại trong “tài nguyên CB” nhưng chưa được khách hàng sử dụng do thiếu tính tiện ích. Đây là sự kiện đáng chú ý không chỉ với CB mà cả thị trường.
Bởi lẽ CB là một trong ba NHTMCP được chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nhà nước. 5 năm qua với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, CB đang từng bước nâng cấp hệ thống, chuyển đổi số ngân hàng từ quản trị đến các sản phẩm dịch vụ. Với việc đưa vào những ứng dụng mới này không chỉ tài nguyên của CB được khai thác mà tới đây CB – họ sẽ có thêm nhiều cơ hội trong phát triển nhiều mảng kinh doanh khác để từng bước khẳng định, lấy lại vị thế trên thị trường.
Trường hợp của CB cũng cho thấy chưa khi nào công cuộc số hóa ngân hàng lại có những bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Những thành tựu này, công bằng mà nói có tác nhân lớn là Covid -19. Nhu cầu giao dịch gián tiếp để giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh đã tạo thành lực đẩy mạnh mẽ cho hệ thống TCTD cho ra mắt hàng loạt sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa; đặc biệt là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển hơn bao giờ hết.
Cuối tuần qua, tại cuộc họp báo của NHNN về hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết đến cuối tháng 7/2020, số lượng thẻ đang lưu hành đạt mức 107,7 triệu thẻ (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019). Để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, NHNN đã và đang đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam.
Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa. Trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng (tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ đạt 606,3 triệu món và đạt 4,9 triệu tỷ đồng (tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475,9 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng (tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng (tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Những con số trên cho thấy nỗ lực của các TCTD trong đáp ứng nhu cầu tất yếu của khách hàng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thị trường đang mong chờ khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới. Về vấn đề này, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, NHNN hiện đang tập trung: Hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về TTKDTM. Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đang ở bước gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. NHNN cũng sẽ đề xuất Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, NHNN đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định về việc phê duyệt thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Dự thảo Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (e KYC) cũng đã ở giai đoạn trình phê duyệt…
Nếu một ngân hàng như CB có thể tăng tốc trong số hóa các sản phẩm, dịch vụ của mình, thì với những ngân hàng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn sẽ còn đưa số hóa ngân hàng phát triển đến đâu? Và quan trọng hơn, sự hưởng ứng tích cực từ phía người tiêu dùng đã, sẽ mang lại quả ngọt không chỉ cho ngân hàng, mà cả nền kinh tế.
Đại diện Vụ Thanh toán NHNN khẳng định, công tác xây dựng pháp luật về hoạt động thanh toán đang bám sát kế hoạch. Khuôn khổ pháp lý về thanh toán ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu cuộc sống và tạo điều kiện cho sự phát triển của hoạt động thanh toán…