Chốt chặn quan trọng bảo vệ tài sản khách hàng
[Infographic] Hướng dẫn quét NFC xác thực sinh trắc học ngân hàng Đăng ký thông tin sinh trắc học đơn giản trên Ngân hàng số Digimi |
NHNN cho biết, mục đích ban hành Quyết định 2345 là để hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Về bản chất của các quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, TCTD sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Theo thống kê của NHNN, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng. Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như đảm bảo chính sách này phát huy hiệu quả như mục tiêu đặt ra, tuần qua NHNN đã có công văn số 5262/NHNN-CNTT về việc hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN nhận định, để triển khai Quyết định 2345, đòi hỏi các TCTD, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực. Tuy nhiên, với trách nhiệm cộng đồng, xã hội, chúng ta phải làm để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho khách hàng.
Ở góc độ TCTD, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho rằng, việc xác thực khuôn mặt là giải pháp rất triệt để, sẽ giải quyết được nhiều rủi ro phát sinh trong thời gian qua.
Để đảm bảo tất cả khách hàng đều cập nhật được khuôn mặt trước ngày 1/7, thời gian qua các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng công nghệ hiện đại, sẵn sàng kết nối hệ thống; đồng thời liên tục truyền thông, hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện cài đặt sinh trắc học để đáp ứng quy định mới về thanh toán, đảm bảo giao dịch được thông suốt.
Lãnh đạo Agribank cho biết, trước khi NHNN ban hành Quyết định 2345, ngân hàng này đã chủ động triển khai đầy đủ các giải pháp đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng cho khách hàng theo Quyết định 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 của NHNN như: SMS OTP; Soft OTP; Token OTP, sinh trắc học bằng khuôn mặt.
Thậm chí đã có ngân hàng đã sớm tuân thủ áp dụng 100% Quyết định 2345 trong các giao dịch giá trị cao với tất cả khách hàng sớm trước 10 ngày so với ngày có hiệu lực như TPBank.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, bảo vệ khách hàng sớm nhất, tối đa nhất luôn là mục tiêu được chúng tôi đặt lên hàng đầu song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng ngày càng cao. Nhận thức được tầm quan trọng của Quyết định 2345 mang lại những giá trị tích cực cho cả ngân hàng và khách hàng, với hệ thống sẵn có, TPBank đã nhanh chóng dồn lực thực hiện theo chuẩn của Quyết định để đảm bảo tính an toàn của tài khoản khách hàng ở mức cao hơn nhanh nhất có thể.
Quyết định số 2345 được coi là một “cú hích” thúc đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xây dựng “tường lửa” bảo mật kiên cố bằng dữ liệu sinh trắc học.
Giới chuyên môn nhận định việc yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng. Quy định này không chỉ mang lại sự an tâm cho người dùng mà còn giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính nâng cao uy tín, thu hút thêm khách hàng.