Chùa Hương “vắng khách” mùa Lễ hội
Trải nghiệm mỹ tục truyền thống trong Lễ hội Tết Việt 2024 Ngắm gì, chơi gì tại Hội chợ Xuân 2024 lớn bậc nhất Việt Nam? Mùa lễ hội trên bản Dao |
Năm nay, để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những tuần diễn ra lễ hội, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông, 4 bến xe có sức chứa 5.000 khách. Nếu xảy ra tình trạng quá tải, ban quản lý sẽ sắp xếp những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi.
Mùa lễ hội chùa Hương năm nay vắng vẻ hơn so với những năm trước |
Tuy nhiên, khác với mọi năm, chùa Hương năm nay vắng lặng ngay trong những tuần đầu, nhất là ngày rằm tháng Giêng vốn đông khách khiến người lao động, buôn bán dịch vụ du lịch ở đây gặp nhiều khó khăn.
Anh Quang Huy, một hướng dẫn viên du lịch tự do chia sẻ, từ đầu tháng Giêng đến nay chỉ có mùng 5 Tết là chùa Hương đông nhất, nhưng so với mọi năm thì vẫn khá vắng. Trong khi năm nay chùa Hương đã đặc biệt có hợp tác xã thuyền, đò nên việc sắp xếp thuyền đã ổn định hơn mọi năm mà ngày khai hội người dân cũng không quá đông.
Một nguyên nhân chính khiến cho chùa Hương rơi vào cảnh đìu hiu là do tình trạng “chặt chém” giá cả diễn ra trong những năm gần đây tại điểm đến tâm linh này. Các nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ du lịch khác ở khu vực xung quanh chùa Hương liên tục tăng giá, chi phí đắt đỏ không phù hợp với người dân địa phương cũng như du khách, đặc biệt là trong năm kinh tế khó khăn này.
Người dân lao động “nằm dài” chờ khách |
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá vé thu phí thắng cảnh năm nay là 120.000 đồng/người/lượt; vé ưu tiên là 60.000 đồng/người/lượt (đã gồm 2.000 đồng bảo hiểm). Giá vé dịch vụ thuyền đò vận chuyển khách cho các tuyến là từ 65.000 đồng đến 85.000 đồng/người/2 lượt vào ra. Giá cáp treo khứ hồi là 220.000 đồng cho người lớn và 150.000 đòng cho trẻ em. Còn vận chuyển bằng xe điện là 20.000 đồng/người/lượt. Nhìn chung, mức vé cho một loại dịch vụ là không quá cao nhưng lại quá nhiều dịch vụ chỉ trong một chuyến đi lễ chùa. Tính sơ sơ trung bình mỗi người phải bỏ ra 450.000 đồng mới được vào cổng chùa. Không chỉ về giá cả chất lượng dịch vụ cũng là vấn đề khiến nhiều du khách ngán ngẩm khi vãn cảnh chùa Hương. “Năm nay mùng 5 mình đi xe điện vào thì có ngay, nhưng lúc về thì tuyệt nhiên không có xe, bị lơ xe chăn dắt ngay, nghĩ mà ngán ngẩm. Giờ dân khó khăn, cứ nghe đâu giá cả hợp lý hoặc giá rẻ thì họ đi, chùa Hương nghiễm nhiên trở thành điểm đến không còn phù hợp nhu cầu”, một người dân chia sẻ.
Đặc biệt, bên cạnh hàng loạt các loại giá dịch vụ phát sinh, giá vé gửi xe tại chùa Hương cũng là một nguyên nhân khiến người dân bức xúc. Các lái xe cũng chán nản, không dám nhận chở khách đi chùa Hương vì “không lãi nổi với giá vé”.
“Hai hôm nay khách gọi đi chùa Hương mà mình không dám nhận. Lấy thêm cước xe thì khách kêu đắt thế. Mà lấy bình dân thì tiền gửi bãi hết, đánh xe ra ngoài thì sợ dính đinh. Nên năm nay tạm không nhận kèo chùa Hương”, anh Quý – một lái xe chia sẻ. Tương tự một lái xe khác bức xúc cho biết, anh em lái xe là người đưa khách đến địa phương để làm giàu cho quê hương mà lại thu phí gửi xe đắt hơn cả gửi xe trong trung tâm thành phố thì ai dám đến nữa.
Ngay cả người dân gần đấy cũng phải lên tiếng về dịch vụ của chùa Hương ngày càng chặt chém. “Đỗ xe thì 12.500 đồng/giờ. Chưa chùa nào ở đâu như chùa này”, một người dân chia sẻ.
Giá vé gửi xe theo giờ gây tranh cãi |
Có thể thấy, giá cả chặt chém, chất lượng dịch vụ đi xuống là nguyên nhân chính dẫn chùa Hương ngày càng vắng khách. Chính vì vậy, để tiếp tục là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút được nhiều người dân, du khách tới đòi hỏi Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương phải quản lý, giám sát chặt chẽ, lập đoàn thanh, kiểm tra… không để xảy ra tình trạng chặt chém, chèo kéo gây bức xúc cho du khách như thời gian vừa qua. Có như vậy mới lấy lại niềm tin, thiện cảm của du khách về một lễ hội lưu giữ nhiều nét đẹp văn hoá thiêng liêng của dân tộc Việt, được lưu truyền qua nhiều đời.