Mùa lễ hội trên bản Dao
Những cây rơm đã cao quá nóc nhà cùng chân ruộng khô hanh chờ ngày ngậm nước là lúc gia đình dọn nhà đón thầy, đón khách. Từ đầu năm, gia chủ đã mang lễ đến nhà thầy cúng uy tín để xem ngày. Thầy chọn ngày đẹp nhất, phù hợp với gia chủ nhất để gia đình có cả năm để chuẩn bị cho lễ.
Lễ bọn thanh niên thích nhất là lễ cưới. Từ khi nhà đứa nào đó xem được ngày thì cả bản đều biết, rồi thì bọn thanh niên kháo nhau, rủ nhau sẽ làm gì trong lễ cưới. Mà đứa nào cũng thích cưới xuyên từ bản Dao này sang bản Dao khác, ấy là để chúng được đi hát cọi xuyên đêm này sang đêm khác, xuyên bản này sang bản khác và tất nhiên là bọn con trai thích nhất là cái đám cưới ấy đi lấy được dâu từ bản Dao khác về, để trong ngày đi đón dâu í, chúng sẽ được đi hộ việc đón dâu, tức là sẽ được tìm gái của bản khác, được hát cọi đối đáp với gái bản khác… thế tức là chúng sẽ kiếm được thêm nhiều bạn gái về với bản Dao trên đỉnh Tây Côn Lĩnh này. Mỗi đám cưới là hát cọi thâu đêm, là việc của trăm nhà, là nối dài trăm họ…nên bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu kỷ niệm sẽ được kể lại, bao nhiêu dự định sẽ được khơi ra.
Và rồi ai sẽ cùng làm, ai sẽ cùng kể, ai sẽ gắn bó dài đời đều được bọn trai gái bản này - bản kia thì thầm to nhỏ, rồi dồn vào lời cọi mà thổ lộ với nhau. Rồi thế nào sau đám cưới cũng sẽ có thêm đám cưới vào năm sau. Đám cưới của một bản nhưng là niềm vui của nhiều bản xung quanh. Đám đi từ Nà Thác lên Khuổi My, lên Lùng Vài, rồi xuyên sang cả Xà Phìn, Nà Màu, Mỏ Phìn… thế là rộn ràng hết cả núi Tây Côn Lĩnh của người Dao áo dài.
Năm nay bản có một lễ rất đặc biệt, có lẽ là lễ to nhất bản từ trước đến nay. Nhà bác Đặng Văn Thạu làm lễ Cấp sắc cho thằng con trai, đồng thời làm lễ lên bàn thờ cho ông nội. Cái lễ đưa hồn ông hay bà nhập vào với tổ tiên mà mọi người hay gọi là lễ Ma khô í. Với dân Dao áo dài chúng tôi cứ qua ngày rằm tháng 7 hoặc qua một Tết Nguyên đán thì mới có thể làm được, nên rất hiếm nhà làm lễ Ma khô mà kết hợp được với lễ Cấp sắc cho bé trai trở thành đàn ông. Để làm lễ kết hợp như này nhà bác Thạu phải chuẩn bị rất nhiều đồ lễ kèm với rượu, gạo, gà, lợn, rồi phải huy động cả những nhà trong bản, trong họ trả lễ, trả đồ mà lâu nay nhà họ có việc nhà bác Thạu đã giúp nữa. Thực sự là một lễ rất đặc biệt của bản Dao áo dài chúng tôi.
Bao nhiêu tình nghĩa bản làng, bao nhiêu ân sâu nghĩa nặng, bao nhiêu tình ý trong tim đều sẽ được nhân ba ngày lễ mà thổ lộ với nhau hết. Lễ Ma khô cho ông nội được làm trước, để báo với tổ tiên đón linh hồn ông về đoàn tụ; rồi lại báo với tổ tiên rằng thằng cháu trai họ Đặng lớn rồi, đã có thể gánh vác việc gia đình, việc bản làng xứng đáng là dòng dõi Bàn Vương của ông tổ người Dao rồi. Kể từ hôm nay thằng cháu trai họ Đặng sẽ biết chữ Dao, sẽ có tên âm để đến khi được tắm trên lửa thiêng mà siêu thoát sẽ được thế hệ sau cúng bằng tên âm của người Dao. Và quan trọng hơn là kể từ sau khi được cấp sắc thì thằng cháu họ Đặng này sẽ được theo học lý lối của thầy cúng, được thầy dạy bảo trở thành một người đàn ông Dao sống tốt, đúng mực, giỏi giang, biết kính trên nhường dưới và không đánh cãi chửi nhau, không chửi thầy cúng, chửi cha mẹ, không hủ hoá, không ăn cắp, ăn trộm...
Sau đêm lễ Ma khô linh thiêng thì đến đêm nhộn nhịp của lễ Cấp sắc. Đêm Cấp sắc là đêm của trai gái hát cọi tán tụng nhau, là đêm liếc mắt đưa tình, là đêm mơ về một mái nhà với đứa con trai cũng được cấp sắc như đêm nay. Mấy trai gái hát hay cứ cọi gọi nhau từ đầu bản, đến cổng nhà, vào gầm sàn, lên cả trên sàn. Mình rằng mình là trai xấu, kém làm/Ta là gái vụng tay, vụng lời/Nhưng đã đến đây rồi, hát một lời cọi gọi thần linh/Phù hộ cho em trai trưởng thành/Phù hộ cho ta với mình bên nha... Lời cọi theo lý lối các cụ năm xưa, lời cọi theo lối nghĩ, lối nói của trai gái bây giờ cứ nối nhau chảy xuyên đêm, chảy từ chén rượu chảy vào lòng người, chảy từ suy nghĩ người trai sang suy nghĩ người gái…
Lời hát cọi của đêm Cấp sắc vẫn chảy tràn trong đêm thì chạm vào những đêm xuân. Lời hát khơi lên những cum rơm nếp đem giã, được đốt lên bó rạ nếp để làm bánh chưng gù màu đen để gọi tết về trên bản Dao. Người Dao áo dài làm bánh chưng gù màu đen tượng trưng cho đất, cho phần dương để chào đón một năm mới bắt đầu. Bánh chưng gù màu trắng tượng trưng cho trời, cho phần âm để dâng cúng ông bà tổ tiên. Trong những lễ thức của người Dao đều có 2 màu bánh như vậy và lễ đầu tiên của năm sẽ được bắt đầu vào ngày 1/1 âm lịch giống như bao dân tộc xung quanh. Rồi cứ theo đó, mỗi tháng sẽ được tính là có một ngày lễ của tháng: ví như ngày mùng 2 tháng 2 sẽ là ngày cúng bản.
Mỗi nhà sẽ được chọn làm nhà chủ lễ một năm, cứ lần lượt các nhà gần nhau nhất thì lần lượt các năm được chọn. Đến lượt nhà nào làm chủ lễ cũng là một vinh dự cho gia chủ, vì bản có tầm 60 nóc nhà, thì về căn bản mỗi đời con người may lắm thì được làm chủ lễ hai lần trong đời. Thế nên làm chủ lễ của lễ cúng bản là lần lượt được nhận trọng trách nặng nề mà vinh hạnh. Đồng nghĩa với việc năm ấy gia đình sẽ có nhiều lộc, nhiều phúc mà cả bản đã dồn cho. Ngày mùng 2 tháng 2 là ngày tết bản. Cả bản sẽ đến nhà chủ lễ chung vui, chúc phúc. Cả bản sẽ kiêng làm việc trong ngày hôm đó để đến nghe thầy cúng giảng giải lý lối của người Dao, nghe kể về lịch sử chuyển cư, kể những câu chuyện cổ, những bài ca cổ và chơi những trò chơi dân gian.
Cứ thế, cứ thế… Dòng máu Dao chảy trong mỗi người Dao được nuôi dưỡng bằng các lễ thức qua các ngày đặc biệt trong năm được tính bằng lịch âm như: lễ bản ngày mùng 2 tháng 2, tết mùng 3 tháng 3, tết mùng 4 tháng 4, tết mùng 5 tháng 5, tết cúng lúa mới mùng 6 tháng 6, tết rằm tháng 7… Những ngày còn lại là những ngày cày cấy, việc rừng, việc học, việc nhà việc cửa cuốn chúng tôi đi đến những ngày cuối năm mới lại nghĩ đến những lễ cưới, lễ Cấp sắc và những tiếng hát, chén rượu vui chào năm cũ, đón năm mới.