Chuẩn bị đối mặt với “xã hội già” trong tương lai gần
Thập kỷ già hóa khỏe mạnh ở ASEAN: Vai trò của việc chủng ngừa cho mọi lứa tuổi Sắp diễn ra điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 Công nghệ giúp già hóa dân số không còn là mối lo |
Xu hướng già hóa dân số
Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và điều này đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dự báo thời kỳ này sẽ sớm kết thúc trong tương lai gần. Nhiều chuyên gia dự báo, thời kỳ dân số vàng chỉ còn trong vòng 20 - 30 năm nữa, tức 2027 - 2037.
Trên thực tế, thống kê năm 2023 chỉ ra, tổng dân số ở Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Con số này được dự báo có thể lên đến hơn 21 triệu người, chiếm gần 20% tổng dân số trong tương lai không xa. Đáng chú ý, nhiều nghiên cứu chỉ ra quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam lại chỉ khoảng hơn 20 năm, thấp hơn rất nhiều so với khoảng thời gian cả thế kỷ của nhiều nước phát triển trên thế giới.
Già hóa dân số được dự báo ngày một tăng nhanh |
Già hóa dân số đang đem lại nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Tốc độ dân số già hóa càng nhanh chắc chắn sẽ kéo theo ít người trong độ tuổi lao động hơn trong nền kinh tế. Hệ quả có thể nhìn trước đó chính là thiếu hụt nguồn cung lao động, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong tuyển dụng nhân sự.
Khi nhắc đến thời kỳ già hóa, không thể không nhắc tới vấn đề tỷ lệ sinh. Theo GS. TS. Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, tỷ lệ sinh của Việt Nam không đi ngược lại so với thế giới, tức là đang ngày một giảm đi. Trẻ em trong xã hội ít đi, trong khi tỷ lệ người già ngày càng cao lên thì đó chính là biểu hiện của thời kỳ già hóa dân số.
Thống kê từ Cục Y tế cho thấy, trong năm 2023, tổng tỷ suất sinh tại Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ), ngày càng bỏ xa mốc 2,09 con năm 2019. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra là 2,1 con/phụ nữ, tương đương mức sinh thay thế để phục vụ cho quá trình tái sinh dân số, tạo lực lượng người trẻ kế cận thay thế lớp người già trong xã hội.
Bài toán không hề dễ giải
Tỷ lệ sinh giảm xuống là một xu hướng khó có thể đảo ngược và đang làm đau đầu chính quyền nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
“Nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển kinh tế, nhưng để thành công trong việc cải thiện tỷ lệ sinh vẫn là một câu hỏi chưa tìm ra lời giải”, GS. TS. Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
Theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, nhiều người phụ nữ sống trong xã hội hiện đại ngại sinh con là bởi những áp lực về kinh tế; không được chia sẻ việc chăm sóc, giáo dục con; gặp khó khăn trong việc tìm trường hay lo ngại về môi trường giáo dục, phát triển của con. Vì vậy, nhiều người phải cân nhắc, thậm chí ngần ngại, quyết định không sinh con.
Giải quyết triệt để vấn đề tỷ lệ sinh sụt giảm không hề dễ dàng |
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023 vừa qua, nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh là những nơi có mức sống, giá cả sinh hoạt thuộc hàng đắt đỏ nhất trên cả nước, gây áp lực rất lớn cho nhiều gia đình trẻ, đặc biệt là những cặp vợ chồng có ý định sinh từ hai con trở lên. Những vấn đề kể trên vô hình trung khiến tốc độ già hóa dân số của Việt Nam ngày càng nhanh, để lại nhiều hệ lụy về nguồn lực cho nền kinh tế.
“Việt Nam cần chuẩn bị cho một tương lai trước khi chính thức bước vào xã hội dân số già. Ngay từ bây giờ, việc cần làm là tận dụng thời điểm dân số vàng, cải thiện năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người dân để xã hội trở nên thịnh vượng hơn trước khi bước vào thời kỳ dân số già, đúng với quy luật của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Ngoài ra, cũng cần có nhiều chính sách an sinh xã hội đảm bảo thu nhập của người lớn tuổi, trong thời kỳ già hóa”, GS. TS. Nguyễn Đình Cử cho biết thêm.
GS. TS. Giang Thanh Long - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra, người ở độ tuổi trung niên hiện nay sẽ trở thành người cao niên trong một thời gian nữa. Điều này đặt ra bài toán cho các cơ quan chức năng là làm sao để nhóm dân số thuộc độ tuổi trung niên ấy được bảo đảm về thu nhập, cũng như quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách thuận lợi, không bị lọt lưới an sinh…