Chung tay xóa đói, giảm nghèo
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) tính đến hết năm 2022, sau 8 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW năm 2014 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, nguồn vốn ủy thác từ các địa phương qua NHCSXH để hỗ trợ vốn cho người nghèo có sự gia tăng vượt bậc. Đến hiện nay, tổng vốn các địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt gần 29.100 tỷ đồng, tăng 25.290 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40.
Ảnh minh họa |
Nhiều địa phương đã chuyển nguồn vốn ủy thác lớn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như các khách hàng thuộc diện chính sách, an sinh xã hội như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết năm 2022, nguồn vốn TP.Hồ Chí Minh ủy thác để cho vay đối với người nghèo đã đạt trên 3.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 41,4% tổng vốn tín dụng chính sách tại địa phương, tăng 857% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị này. Tại các tỉnh, thành khác ở phía Nam như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương, Vũng Tàu… kênh ủy thác vốn từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách địa phương cũng là kênh huy động vốn hiệu quả nhất mà hệ thống NHCSXH đã thực hiện được trong vòng 20 năm vừa qua.
Đơn cử tại Vũng Tàu, tỉnh này đã ủy thác gần 1.450 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay người nghèo trong các năm từ 2002-2022. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã tại Vũng Tàu hiện chiếm khoảng 38,6% tổng vốn cho vay của NHCSXH tại địa bàn, giúp hệ thống NHCSXH cho vay hiệu quả 13 chương trình tín dụng chính sách. Tại Đồng Nai, theo thống kê, hiện tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH đạt trên 955 tỷ đồng, tăng 825% so với trước khi có Chỉ thị 40. Tại Bình Dương tổng nguồn vốn ủy thác hiện đã đạt mức 1.858 tỷ đồng, tăng trưởng kỷ lục 2.800% so với trước khi có Chỉ thị 40.
Theo ông Trần Văn Tiên, không chỉ là kênh tạo vốn quan trọng cho NHCSXH, hoạt động ủy thác vốn từ địa phương đã và đang tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Nhờ tận dụng tốt nguồn vốn ủy thác của địa phương, hệ thống NHCSXH tại TP.Hồ Chí Minh những năm vừa qua đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng trọng điểm như: cho vay hỗ trợ đào tạo việc làm (dư nợ hơn 4.350 tỷ đồng), cho vay hỗ trợ giảm nghèo (dư nợ 1.336 tỷ đồng), cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường (dư nợ gần 700 tỷ đồng).
Điều quan trọng hơn là nhờ có Chỉ thị 40, sự gắn kết lan tỏa trách nhiệm trong huy động vốn và cho vay tín dụng chính sách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các sở ngành, quận, huyện và các tổ chức chính trị xã hội. Do nguồn vốn được ủy thác trực tiếp từ ngân sách địa phương nên công tác quản lý, phối hợp giải ngân cho vay cũng như giám sát sử dụng vốn được các quận huyện quan tâm sát sao, nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng, đúng quy định và tăng đầu tư cho các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù ở từng địa bàn, tạo ra hiệu quả tích cực.
“Song song đó, các mô hình truyền dẫn vốn như tổ tiết kiệm vay vốn do các hội, đoàn đảm nhận cũng được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn”, ông Tiên nhấn mạnh.
Tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, ngân sách địa phương trong các năm vừa qua đã chuyển vốn uỷ thác sang NHCSXH trên 508 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp hệ thống NHCSXH thúc đẩy cho vay tại 100% xã phường trên địa bàn. Khi phối hợp giữa các địa phương (cấp huyện, cấp xã-phường) với NHCSXH, đã hình thành gần 3.100 tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tại trên 700 khóm, ấp trực thuộc quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Dư nợ cho vay thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn chiếm 96,5% tổng dư nợ. Những con số này cho thấy việc phối hợp cho vay giữa NHCSXH tỉnh và chính quyền các cấp rất hiệu quả. “Mô hình và phương thức cho vay ủy thác này là chìa khóa dẫn tới thành công của tín dụng chính sách”, ông Bửu nhận định.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thành công lớn nhất mà hệ thống NHCSXH đạt được là đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn của từng địa phương và chính quyền cấp cơ sở. Vốn từ các quỹ ngân sách ủy thác cho NHCSXH được cả hệ thống chính trị truyền dẫn đến người nghèo ở từng xóm, ấp. Vì vậy hiệu quả sử dụng vốn rất cao, nợ xấu phát sinh rất thấp. Hầu như tất cả nhu cầu vay vốn chính đáng của các đối tượng thụ hưởng chính sách đều được đáp ứng kịp thời. Nhiều mô hình làm ăn khấm khá quay lại gửi tiết kiệm tại NHCSXH. Từ đó tạo ra sự lan tỏa sức mạnh tập thể trong mảng tín dụng chính sách những năm vừa qua.