Chuỗi nông sản chủ động hơn về vốn
Liên kết chuỗi nông sản: Doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo | |
Phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới: Thúc đẩy chuỗi nông sản | |
TP.HCM: Nỗ lực xây dựng chuỗi nông sản thực phẩm sạch |
Đầu tuần vừa qua, tại Lâm Đồng, Tập đoàn Royal K của Hàn Quốc đã chủ động hợp tác với Công ty P.A Vina để phát triển chương trình “dòng vốn xanh trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Với hợp tác này, Royal K và P.A Vina sẽ hỗ trợ tài chính ban đầu để các trang trại sử dụng các giải pháp công nghệ, đồng thời hỗ trợ các trang trại vay vốn từ các quỹ tài chính và các TCTD nhằm phát triển các dự án nông sản sạch. Sản phẩm làm ra sẽ được các bên kết nối vào chuỗi hệ sinh thái The Green Way mà Tập đoàn Royal K đã xây dựng thành công ở nhiều quốc gia khu vực châu Á.
Hợp tác trên của Royal K với P.A Vina là một ví dụ cho thấy, ở thời điểm hiện nay hoạt động tạo lập chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ nông sản tại Việt Nam đang bắt đầu có sự chủ động hơn ở phía các DN đầu mối, nhất là sự chủ động về nguồn lực tài chính.
Thực tế, trong những năm gần đây, sau khi chiếm lĩnh thị phần khá lớn ở thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn nước ngoài trong lĩnh vực chăn nuôi như C.P và Mavin đã phát triển rất mạnh hình thức hợp tác chăn nuôi gia công. Với mô hình 3F (Feed-Farm-Food), các tập đoàn như C.P, Mavin đã lần lượt ký kết hợp tác chiến lược với các NHTM như Agribank, VietinBank, HDBank, MB… để hỗ trợ các trang trại vay vốn khi tham gia chăn nuôi gia công cho hệ thống của mình.
Quan sát trong năm 2019 cho thấy, sau khi thành công ở mảng chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện nay cả C.P, Mavin đều đã lấn sân sang lĩnh vực thủy, hải sản. Phía C.P đã bỏ vốn đầu tư xây dựng liên minh các hợp tác xã tôm sạch tại Cà Mau với sự hậu thuẫn tài trợ vốn của OCB. Trong khi đó tập đoàn Mavin đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu USD phát triển dự án trung tâm nuôi trồng hải sản xuất khẩu tại Kiên Giang sau khi có được sự hợp tác chiến lược từ VietinBank.
Không chỉ phổ biến ở các DN khối ngoại, mô hình DN đầu tàu chủ động làm cầu nối vay vốn ngân hàng, sau đó tái tài trợ cho người nông dân đã bắt đầu lan rộng sang khối DN tư nhân lớn trong nước. Điển hình có thể kể đến hợp tác mới đây của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) với OCB. Theo đó, tập đoàn này, thông qua sự tài trợ vốn từ ngân hàng sẽ cho 13.000 hộ nông dân trồng mía tại 7 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên vay 1.000 tỷ đồng vốn (lãi suất cố định 9,6%/năm, thời hạn 18-36 tháng, hạn mức tối đa 3 tỷ đồng/hộ) để phát triển vùng nguyên liệu mía. Phía TTC Group cam kết sẽ tài trợ vốn theo chu kỳ sinh trưởng của đồng mía, thu gốc và lãi vay vào cuối vụ và không tính lãi suất phạt với nông dân nếu quá hạn trả nợ nhưng vẫn cam kết tham gia chuỗi nguyên liệu của DN.
Bên cạnh TTC Group, hiện nay hàng loạt các tập đoàn lớn trong nước cũng đã đi theo cách này để chủ động dẫn vốn vào chuỗi nguyên liệu của mình.
Thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến cuối tháng 11/2019 đã có khoảng 1.100 DN lớn tham gia chủ động tạo dựng các chuỗi sản xuất – tiêu thụ hàng hóa khép kín. Trong đó, các tập đoàn lớn trong nước, như: VinGroup, T&T, Vinamilk, TH, Dabaco, Lavifood, Nafoods, Lộc Trời, Đồng Giao, Mía đường Lam Sơn… là những tập đoàn đã và đang liên kết trực tiếp với các NHTM để vay vốn tín dụng sau đó tái đầu tư cho người nông dân.
Ở lĩnh vực thủy sản, để đảm bảo chủ động và cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu, hiện nay các “đại gia” lớn ngành tôm và cá tra như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Cá… cũng đang chủ động thành lập mô hình “công ty cổ phần xã hội” để kêu gọi người dân góp đất vào DN, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình.
Ở các vùng nguyên liệu đặc sản lớn như vải thiều (ở Lục Ngạn – Bắc Giang), cà phê, hoa - cây cảnh (ở Đà Lạt - Lâm Đồng), xoài cát, vú sữa, thanh long (ở Đồng Tháp, Tiền Giang), chuối, hạt điều (Bình Phước, Long An, Tây Ninh)… hiện nay lần lượt các DN lớn như: Giato, Lavifood, Bình Điền, Huy Long An, Trường Hoàng, Hùng Nhơn, Chánh Thu… cũng đã chủ động tạo ra các mô hình liên kết. Phía DN đứng ra đàm phán với NHTM tại địa bàn để cung ứng vốn cho chuỗi nguyên liệu, người dân góp đất, góp công và được bao tiêu sản phẩm.
Cho đến hiện tại, dù chưa có số liệu thống kê chính xác dòng vốn tín dụng đổ vào các chuỗi giá trị nông sản và các vùng nguyên liệu do DN chủ động xây dựng là bao nhiêu. Tuy nhiên, chỉ tính riêng số vốn mà các NHTM cho vay vào các chuỗi giá trị nông sản khép kín (theo Nghị quyết 14 của Chính phủ) đến tháng 11/2019 đã đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ hệ thống TCTD cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thống kê đến cuối quý III/2019 đã đạt khoảng hơn 696.500 tỷ đồng. Vì vậy có thể chắc chắn số vốn vay được dồn vào dự án chuỗi giá trị nông sản mà các DN chủ động tạo dựng là khá lớn. Kết quả này, cho phép các bộ, ngành và địa phương có cơ sở để tin tưởng vào mục tiêu liên kết thành công khoảng 8,6 triệu nông dân, 50.000 hợp tác xã và 10.000 DN trong năm 2019 như Bộ NN&PTNT đã đặt ra hồi đầu năm.