Phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới: Thúc đẩy chuỗi nông sản
HTX theo chuỗi ngành hàng: Lực đỡ cho nông sản Việt | |
Hợp tác 3 bên để thúc đẩy mô hình HTX |
Kết nối để tăng giá trị
Thành lập tháng 11/2016, với 21 thành viên, HTX nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên (Hưng Yên) đang quản lý 22,8ha nhãn, trong đó có 10ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng dự kiến đạt 380 – 400 tấn. Bà Trần Thị Bắc - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, trong thời gian qua, HTX đã luôn đổi mới, đưa các giống nhãn ngon như: đường phèn, nhãn lồng thay thế các giống nhãn khác.
Các HTX hoạt động hiệu quả nhưng vẫn còn rất khiêm tốn |
Cạnh đó, HTX luôn theo dõi giám sát các thành viên trong HTX, tổ VietGAP làm theo và phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Cùng với sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, HTX cũng chú trọng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Năm 2017, HTX đã ký ghi nhớ hợp đồng tiêu thụ với Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn An Việt và gửi hồ sơ sản phẩm đến một số siêu thị khác.
Năm 2018, dù vụ nhãn được mùa lớn, gây áp lực không nhỏ lên thị trường tiêu thụ nhưng các thành viên của HTX này, vẫn ung dung vì đầu ra đã có HTX lo với giá ổn định. Hiện, nhãn của HTX cũng đã theo các chuyến bay của Vietnam Airlines từ sân bay Nội Bài tỏa đi muôn hướng. Chưa dừng lại ở đó, HTX đang có tham vọng đầu tư dây chuyền, máy móc làm nhãn đóng hộp để nâng cao giá trị gia tăng cho trái nhãn. Rõ ràng, nếu chỉ có từng nông hộ nhỏ lẻ, bà con khó làm được việc này.
Với hướng đi sản xuất rau an toàn (RAT) hướng VietGAP, trong thời gian qua HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đã phối hợp tổ chức tập huấn quy trình sản xuất RAT cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch HTX chia sẻ, RAT của HTX đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo được lòng tin cho DN, hệ thống thương lái, người tiêu dùng, giá bán sản phẩm cao hơn so với thị trường từ 15-20%.
Đến nay, đã có 100% nông dân thực hiện tốt quy trình sản xuất RAT. Để đảm bảo việc sản xuất, tiêu thụ RAT của nông dân mang tính ổn định, HTX đã chủ động liên kết với một số công ty, hệ thống siêu thị… ký hợp đồng tiêu thụ. Qua việc phối hợp và liên kết giám chịu trách nhiệm sản phẩm cung cấp ra nên đã tạo được uy tín với khách hàng. Vì vậy, nông dân yên tâm sản xuất, hàng năm HTX cung cấp cho các hệ thống từ 2.000 đến 3.000 tấn rau các loại.
Có thể khẳng định, để đổi mới sản xuất nông nghiệp, việc đẩy mạnh liên kết là một đòi hỏi tất yếu. Chính vì vậy, việc thành lập các HTX, liên hiệp HTX kiểu mới được coi là giải pháp trọng tâm gắn kết từng nông hộ nhỏ lẻ thành vùng sản xuất theo chuỗi, có sự tham gia của doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số các HTX hoạt động hiệu quả vẫn còn rất khiêm tốn.
Qua phân loại HTX nông nghiệp năm 2017 cho thấy số HTX hoạt động tốt chiếm 12% (1.115 HTX), 34,3% hoạt động khá (3.178 HTX), 41,3% ở mức trung bình (3.830 HTX) và còn 12,4% HTX xếp loại yếu (1.143 HTX). Đến hết tháng 6/2018 cả nước còn 709 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động cần giải thể.
Nâng cao chuỗi giá trị
Theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Bộ NN&PTNT cũng đã đặt ra kế hoạch đến năm 2020 là duy trì củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của trên 4.400 HTX nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả; phấn đấu có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu, kém để phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Tạo điều kiện thành lập mới trên 5.200 HTX nông nghiệp trên các lĩnh vực có lợi thế ở các địa phương và hỗ trợ để hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, mục tiêu này rất gian nan nếu những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực không được giải quyết dứt điểm.
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Một trong những lý do dẫn đến những yếu kém của HTX tồn tại trong thời gian dài dù Luật HTX đã ban hành và thực hiện được gần 5 năm là do trình độ quản trị của cán bộ HTX còn hạn chế dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Cạnh đó, phần lớn HTX thiếu vốn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn; việc quản lý tài chính ở nhiều đơn vị chưa được nghiêm túc. Có nhiều nơi địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của HTX, ngược lại có những địa phương lại can thiệp quá sâu, khiến HTX không đơn thuần là một đơn vị sản xuất kinh doanh mà bị “hành chính hóa” khi phải thực hiện cả những nhiệm vụ chính trị, xã hội khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Phát triển liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là giải pháp quan trọng trong tổ chức lại sản xuất nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Trong chuỗi liên kết này, HTX là hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp lớn, đồng trục với hơn 6 triệu hộ nông dân để tạo nên một chu trình sản xuất khép kín.
“Sức sản xuất các mặt hàng nông nghiệp trong nước là rất lớn với công suất 5,5 triệu tấn thịt các loại, hàng triệu tấn cà phê… nhưng điểm yếu hiện nay vẫn là vấn đề liên kết rời rạc, tách rời với thị trường nên hiệu quả còn thấp và tiêu thụ bấp bênh. Chính vì vậy, đẩy mạnh liên kết là nhu cầu bức thiết đặt ra. Việc hình thành những HTX tổ chức nông nghiệp sẽ tăng lên nhiều và có bước bứt phá theo hướng chuỗi nông nghiệp toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyết triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ cho nông dân, cần bám sát chương trình mỗi làng một sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. Bên cạnh việc phát triển HTX, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác và đây là nguồn để phát triển lên HTX, đảm bảo cho mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX.