Liên kết chuỗi nông sản: Doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo
Doanh nghiệp Italia hợp tác chế biến nông sản | |
Phải cơ giới hóa cho sản xuất nông sản | |
Kết nối cung - cầu nông sản Việt Nam - Nhật Bản |
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, cả nước có 2.975 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 DN. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, có 1.254 chuỗi được cấp chứng nhận với 1.452 sản phẩm tập trung chủ yếu là rau, củ quả các loại, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều ,chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm...
Các DN cần tập trung chế biến sâu các sản phẩm nông sản |
Tính đến hết tháng 9/2019, có 1.478 mô hình chuỗi, với 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt việc xây dựng các chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp như chuỗi liên kết cá tra 3 cấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, lâm sản chủ lực và lúa gạo. Trong đó, ngành nông nghiệp đã thu hút hơn 9.235 DN đầu tư (vốn bình quân là 18 tỷ đồng) thì chỉ có 1.082 DN tham gia liên kết chuỗi (tương đương gần 12% tổng số DN), điển hình như Vingroup, T&T, Nafoods, Vinamilk, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Đồng Giao…
Cho đến nay, cả nước đã xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, hiện nông sản Việt Nam đang xuất khẩu tới 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới càng tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu nằm khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Có đến 80% hàng nông sản Việt Nam được bán ra thị trường thế giới phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Nói cách khác, Việt Nam mới tham gia ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho hay.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An phản ánh, mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN và nông dân là giải pháp duy nhất để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững. Nhưng mô hình đúng đắn, hiệu quả và cần thiết này chưa thể nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng lớn liên kết ở một số địa phương đang bị thu hẹp dần do thiếu vốn.
Nếu DN được vay đủ vốn để thực hiện dự án cánh đồng lớn liên kết, sau 3 - 5 năm, ngành hàng lúa gạo vùng BBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ phát triển bền vững ổn định. Theo đó, mỗi năm xuất khẩu gạo của Việt Nam còn thu thêm được không dưới 2 tỷ USD so với giá trị xuất khẩu gạo hiện nay trên cùng số lượng. Tức là Việt Nam xuất khẩu 6 triệu tấn gạo từ lúa trong cánh đồng liên kết thì sẽ thu về khoảng 5 tỷ USD chứ không phải là 2 - 3 tỷ như hiện nay.
Lý giải về cơ chế, chính sách tín dụng khuyến khích DN đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng Phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, NHNN xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này nhằm đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, tăng cường liên kết giữa các DN là giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, trong chuỗi liên kết giá trị, DN cần giữ vai trò quyết định, là lực lượng dẫn dắt người sản xuất và các tổ chức đại diện của nông dân. Đồng thời, DN cũng là lực lượng tiên phong để thâm nhập, khai mở các thị trường trong nước và nước ngoài, đưa nông sản Việt vươn tầm quốc tế.
Nhà nước ban hành cơ chế để tạo sân chơi và môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp DN, nông dân, hợp tác xã, chính quyền địa phương… gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn. Muốn làm được điều đó, ngoài chính sách ưu đãi về thuế, cần có chính sách hỗ trợ để các DN nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết. Các mối liên kết phải đa dạng, hướng tới sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao, các công cụ truy xuất nguồn gốc và minh bạch hóa thông tin. Đồng nghĩa phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hơn nữa về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.