TP.HCM: Nỗ lực xây dựng chuỗi nông sản thực phẩm sạch
Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng | |
Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn |
Ảnh minh họa |
TP.HCM là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh, thành Nam bộ. Nhiều năm qua, TP.HCM đã cố gắng xây dựng hệ thống bán lẻ và các chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông sản thực phẩm. Các DN đã xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng rau, thịt, cá an toàn. Nhưng theo ước tính của các chuyên gia, các chuỗi giá trị này chỉ có khả năng cung ứng tối đa 15%-20% nhu cầu của TP.HCM.
Như vậy, còn đến 80%-85% nông sản thực phẩm chưa được quản lý theo chuỗi nên khả năng không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ cao hơn. Chính vì vậy, chính quyền TP.HCM đang nỗ lực phối hợp với các địa phương để thực hiện kế hoạch này.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, TP.HCM và các địa phương bàn cách xây dựng và hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn một cách căn cơ.
Điển hình trong nỗ lực phối hợp phải kể tới Đồng Tháp. Đây là một trong những tỉnh nỗ lực có kế hoạch và xây dựng chuỗi giá trị hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc hàng đầu. Chính vì vậy, Đồng Tháp được TP.HCM chọn là tỉnh đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ.
“UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc hướng vào thị trường nội địa, trọng tâm là TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Mục tiêu đến năm 2020 các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sẽ có vùng nguyên liệu ban đầu gắn với truy xuất nguồn gốc, làm tiền đề để mở rộng sản xuất lớn của cả tỉnh đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm. Đồng Tháp sẽ hợp tác, đáp ứng mọi yêu cầu của TP.HCM để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nâng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người”, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 5 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, vịt và cá tra. Đến nay, mặt hàng nông sản cá tra và trứng vịt thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. Từ năm 2013, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực và đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, hướng tới thị trường nội địa.
Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường đã thay đổi, nông sản nước ngoài tràn vào ngày càng nhiều, người tiêu dùng có nhu cầu lớn về thực phẩm an toàn; nhà sản xuất trong nước muốn cạnh tranh được buộc phải thay đổi cách làm: phải xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ 4.0.
Không chỉ riêng Đồng Tháp, TP.HCM sẽ phối hợp các tỉnh thành phía Nam để thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi ngành tiêu thụ sản xuất. Theo đó, thông qua kênh phân phối, thành phố sẽ tập hợp thông tin để định hướng cho các địa phương vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm nông nghiệp đáp ứng như cầu của thị trường. Đồng thời, hệ thống phân phối ở thành phố chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Trên cơ sở nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, thành phố cũng hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ; ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và hỗ trợ quảng bá, từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.
Trước đó, để giới thiệu và cho người tiêu dùng quen với các sản phẩm nông sản chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã tổ chức các chợ phiên nông sản ở các quận 1, 10, Tân Bình và Bình Tân. Đây là sân chơi của các HTX, DN, cơ sở sản xuất các loại nông sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP…
Từ đây, người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu của các sản phẩm và tin tưởng vào các sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế và thậm chí lấy mẫu tại chỗ để kiểm tra.
Trên thực tế, ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết giá trị nông sản. Nổi bật trong đó là chính sách hỗ trợ lãi vay từ 60%-100% cho các dự án nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân, HTX được tư vấn, hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận VietGAP miễn phí, được hỗ trợ tạo website để quảng bá sản phẩm.
Trường hợp DN, HTX không đầu tư nhưng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sẽ được hỗ trợ 60% lãi vay tính trên giá trị hợp đồng. Hiện UBND TP.HCM cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì dự án truy xuất nguồn gốc rau quả.