Chương trình giải trí trên truyền hình: “Ghi điểm” khi hướng tới sự thuần Việt
Không khó để chỉ ra nhiều game show của nước ngoài được Việt hóa thời gian qua đến với khán giả nước ta và khá ăn khách. Nhưng không ít game show còn dính “sạn”, hình thức và cách thể hiện hóa còn na ná nhau nên chỉ qua một, hai mùa tổ chức đã mất đi sự mới lạ. Chính vì điều này nên không ít khán giả nhanh chán, sự hấp dẫn và tính giải trí, giá trị nghệ thuật chưa nhiều.
Đáng mừng, nhiều game show thuần Việt thời gian qua đã ra đời và đa dạng, đủ hình thức, nội dung nhằm đáp ứng thị hiếu của khán giả. Các game show thuần Việt đã và đang được tổ chức như Vợ chồng mình hát, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng Bolero, Tiếng hát mãi xanh, Người hát tình ca, Tình Bolero, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Hò xự xang xế cống, Làng hài mở hội, Sao nối ngôi, Tuyệt đỉnh song ca, Phái mạnh Việt, Lò võ thiếu lâm... ít nhiều đã để lại ấn tượng, sự yêu mến của khán giả dù các game show này chủ yếu phát sóng ngày thường trên các kênh truyền hình địa phương và không phải trong khung giờ vàng.
Solo cùng bolero - Chương trình ca nhạc thuần Việt được khán giả yêu thích thời gian qua |
Gương mặt truyền hình dù mới “chào sân” nhưng chương trình đã tạo dấu ấn bởi nỗ lực hướng đến sự tử tế bằng những chia sẻ nghiêm túc về nghề, những phần thi mang tính trải nghiệm thực tế cao, đầy thách thức chứ không sáo mòn, chạy theo những hào nhoáng, gây sốc như nhiều chương trình khác. Hay các game show về nhạc Bolero gần đây như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Song ca cùng Bolero đã đưa dòng nhạc Bolero đến gần hơn với công chúng, đồng thời lan tỏa và giúp dòng nhạc này thức giấc trong bối cảnh âm nhạc đương đại Việt đang hội nhập và hòa vào các dòng nhạc mới của thế giới. Trong khi đó, game show Vợ chồng mình hát, ngoài thi tài ca hát, điều quan trọng hơn là giúp các cặp đôi tham gia chương trình này gắn bó, yêu thương nhau hơn. Với Tiếng hát mãi xanh, bên cạnh việc phát hiện những giọng ca hay của các thí sinh đã ở tuổi trung niên, cao niên là những câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn đời thường để thỏa đam mê ca hát của những người không có cơ hội làm ca sĩ. Hát cùng mẹ yêu lại là game show cho khán giả thấy được ngoài tài năng không chuyên của một số nghệ sĩ trung niên, công chúng còn thấu hiểu tình cảm mẹ con của người nổi tiếng.
Xem chương trình Hát mãi ước mơ, bên cạnh tính nhân văn và sẻ chia, những câu chuyện đầy cảm xúc những người làm chương trình đã khéo léo lồng vào yếu tố giải trí để chương trình không quá nặng nề. Dựa trên nền tảng karaoke, Hát mãi ước mơ mang đến một thông điệp về sự gần gũi, ở đó ai cũng có thể tham gia nếu như họ có ước mơ cao đẹp là góp phần giúp đỡ những người thân yêu vượt qua nghịch cảnh bằng chính giọng hát của mình. Tiêu chí của chương trình theo đúng tên gọi Hát mãi ước mơ, nó phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp người chơi tự tin bước lên sân khấu, tỏa sáng và giành lấy giải thưởng cao nhất, biến ước mơ chưa được thực hiện của người mình yêu thương trở thành hiện thực. Thông qua chương trình, nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh khó tin nhưng có thật sẽ được kể trên sân khấu âm nhạc và những ước mơ chia sẻ đậm tình người hứa hẹn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Được nhiều khán giả chú ý, đánh giá cao những năm qua là game show Sao nối ngôi (phiên bản nhí). Trong game show này, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều tài năng sở trường cũng như sở đoản khác nhau của các em nhỏ như ca hát, ca cải lương, nhảy hiphop, múa, diễn kịch… tại những tiết mục biểu diễn rất chuyên nghiệp, hoành tráng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, Sao nối ngôi phiên bản nhí còn là những câu chuyện gia đình nghệ sĩ nổi tiếng lần đầu được hé lộ, hay những màn đối đáp cực kỳ hài hước, ngây thơ, hồn nhiên và những nhận xét “cười té ghế” của các bé về cha mẹ mình. Ở phiên bản người lớn, Sao nối ngôi lại là sợi dây kết nối tình cảm giữa các thế hệ trong những gia đình nghệ sĩ, góp phần khơi dậy tình yêu những loại hình nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra cũng cần nhắc đến game show Đường đến danh ca vọng cổ vốn là một sân chơi đặc biệt cho những người trẻ yêu cải lương, góp phần mang hơi thở mới cho sân khấu cải lương trong thời đại mới.
Khán giả đặc biệt đánh giá cao các game show thuần Việt bởi đó là sáng tạo của người Việt, các chương trình không đặt nặng giá trị vật chất mà thiên về giải trí, mang tính tinh thần là chủ yếu. Sự ra đời của chương trình thuần Việt với tiêu chí mang đến những tiếng hát, tiếng cười nhẹ nhàng, ý nhị, tôn trọng khán giả, với nội dung được cải tiến gần gũi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người và nhất là quảng cáo không quá dày. Các chương trình không chỉ thu hút khán giả, mà còn thu hút cả những người tham gia, nhờ vậy chương trình có đội ngũ thí sinh chất lượng, tài năng. Trong các game show thuần Việt, nhà sản xuất luôn hướng tới sự gắn kết cộng đồng, tôn vinh và khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống văn hóa trong gia đình, xã hội và định hướng người xem đến các tiêu chí chân - thiện - mỹ. Đặc biệt, văn hóa ứng xử trong các chương trình giải trí thuần Việt cũng rất bình dị, chứ không “nhập” y nguyên phiên bản ngoại, rồi cãi nhau, “mắng” thí sinh xơi xơi, thể hiện tính bạo lực để câu khách, hay tạo sự cố để nổi tiếng…