Chuyển đổi lên không gian số: Thúc đẩy công nghệ Việt, cho người Việt
Kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động sau sự bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Thực tế chỉ ra rằng, dịch bệnh cũng đã giúp DN nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số. Những số liệu từ trước dịch Covid-19 cho thấy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra chậm chạp. Việc thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN vẫn là những điểm yếu trong công cuộc chuyển đổi số.
Báo cáo của VCCI cho hay, số lượng DNNVV của Việt Nam chiếm hơn 98% số lượng DN, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu với gần 80% là những công nghệ cũ cách đây hàng chục năm.
Chung tay phát triển công nghệ điện toán đám mây của người Việt, cho người Việt |
Còn theo Bộ Công thương, có tới 16/17 ngành được khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của DN. Đáng chú ý, số DN mới bắt đầu biết về chuyển đổi số chiếm tới trên 80%.
Theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company, năm 2019 kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như “rồng được tháo xích” và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện công nghệ thông tin, ĐHQGHN cũng đồng tình rằng, công nghệ đang thay đổi cách thức làm ăn. Để chuyển đổi được vào không gian số, không chỉ cần có con người, xã hội, môi trường số, mà cần cả Chính phủ minh bạch số, hạ tầng số và kinh tế số. Bởi đây sẽ là phương thức sản xuất mới, dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, giúp cho đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Kết nối càng nhiều, cơ hội càng lớn, mua bán đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo sản phẩm mới. Quan trọng hơn là kết nối vào không gian số sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và thực hiện dễ dàng hơn so với hình thức tiếp xúc trực tiếp.
Dù Việt Nam có nhiều ưu thế trong xây dựng xã hội số, song để chuyển đổi số thành công, DN cần có sự giúp sức của không ít các nền tảng. Và để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tiếp tục phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) Việt Nam với sự vào cuộc mạnh mẽ của 11 DN ĐTĐM và trung tâm dữ liệu Việt Nam. Đây thực sự là lời hiệu triệu, cổ vũ toàn thể xã hội hãy chuyển đổi số nhanh hơn bằng nền tảng ĐTĐM Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cú hích đến từ dịch Covid-19 đã buộc nhiều cơ quan, DN phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, một yếu tố góp phần tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu và ĐTĐM.
Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM và cũng là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng ĐTĐM ngày hôm nay là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Hiện các DN công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã chuyển dịch theo xu hướng này và nhu cầu khai thác ĐTĐM cũng đang tăng trưởng mạnh. Quan trọng hơn, các DN nòng cốt tại Việt Nam đều đã làm chủ về hạ tầng và công nghệ, sẵn sàng cung cấp sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ĐTĐM, nhờ đó mà giá thành dịch vụ sẽ không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài. Cùng với đó là sự sẵn sàng của đội ngũ kỹ sư đông đảo và giỏi chuyên môn, cộng với việc có thể đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... cũng là yếu tố vượt trội của DN công nghệ trong nước. Với những ưu điểm này, hy vọng lĩnh vực ĐTĐM Việt sẽ lan toả rộng khắp, không chỉ ở các DN cung cấp dịch vụ mà cả ở các DN sử dụng dịch vụ.
Hiện thị trường ĐTĐM trong nước đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%, và DN Việt Nam đang chiếm khoảng 20% thị phần. Hiện Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 DN trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đã sẵn sàng đạt chuẩn để các DN có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh.
Người đứng đầu ngành TT&TT có niềm tin chắc chắn rằng, các DN ĐTĐM Việt Nam sẽ liên tục hoàn thiện công nghệ, chú trọng đảm bảo an toàn thông tin mạng, giá cả cạnh tranh trong nước và quốc tế với niềm tự hào về sản phẩm Make in Vietnam.