Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Công nghệ đột phá và đổi mới sáng tạo là "mệnh lệnh" chiến lược
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thành Công – Trưởng ban Ban Phong trào Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương; đồng chí Trần Long – Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên NHTW; đồng chí Đào Minh Thắng – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên NHTW; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN.
Đồng chí Đào Minh Thắng – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên NHTW phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đào Minh Thắng – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên NHTW chia sẻ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn NHTW luôn xác định công tác đoàn, phong trào thanh niên gắn với nhiệm vụ chuyên môn là một trong những trọng tâm công tác xuyên suốt nhiệm kỳ 2022-2027.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh NHTW là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, có chức năng nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách, càng quan trọng nữa khi ngành Ngân hàng luôn phải đối mặt với những cú sốc, sự bất định từ thị trường tiền tệ tài chính trong nước và thế giới.
Từ đó, nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức mới là rất cần thiết, đặc biệt đối với đoàn viên thanh niên khối chính sách.
Hội thảo khoa học là hoạt động mang tính định kỳ, là diễn đàn khoa học để các đoàn viên trao đổi kiến thức chuyên môn cũng như cơ hội, để các đoàn viên rèn luyện các kĩ năng phục vụ trong việc, hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, nâng cao hiệu quả công việc.
Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng là nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng thời gian tới. Kinh tế số đang đem lại nhiều cơ hội, thách thức, nếu không nhanh chân, chúng ta sẽ tụt hậu, vì vậy, tuổi trẻ ngành Ngân hàng – lực lượng xung kích đi đầu cần nắm bắt xu thế chuyển đổi số, áp dụng trong công việc.
Anh Nguyễn Trung Anh - Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán trình bày tham luận tại hội thảo |
Tại Hội thảo, anh Nguyễn Trung Anh - Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Ngân hàng Trung ương trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng”. Theo đó, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt với thay đổi nhanh hiện nay, công nghệ đột phá và đổi mới sáng tạo là mệnh lệnh chiến lược để các tổ chức tài chính tồn tại, cạnh tranh hiệu quả.
Dẫn kết quả Khảo sát 2020 của EIU, 66% giám đốc ngân hàng cho rằng, các công nghệ mới sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành Ngân hàng trong 5 năm tới so với 42% năm 2019, anh Trung Anh cho biết, để chuyển đổi số thành công, các ngân hàng cần triển khai công nghệ mới nhằm tái định hình các mảng kinh doanh, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện năng lực quản lý rủi ro, đơn giản hóa cách thức tạo lập quan hệ khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khai phá những thị trường mới.
Từ đó cũng đặt ra yêu cầu mới đối với NHTW là nâng cao khả năng trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tài chính thông qua ứng dụng dữ liệu, công nghệ số; các công nghệ số, mô hình kinh doanh, tài sản mới đem đến nhiều lợi ích và rủi ro cho thị trường, ảnh hưởng đến NHTW; xây dựng khuôn khổ pháp lý cân bằng giữa đổi mới sáng tạo với cạnh tranh bình đẳng, ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.
Anh Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số TPBank trình bày tham luận tại hội thảo |
Với tham luận “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng thương mại”, anh Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số TPBank cho rằng, chiến lược chuyển đổi số - sáng tạo số toàn diện tại TPBank bao gồm 4 trụ cột chính: sản phẩm và dịch vụ; mô hình kinh doanh, tổ chức và vận hành quy trình và cuối cùng là quản trị rủi ro.
Nhờ việc nắm bắt thời cơ, sớm chuyển đổi số, những thành tựu chuyển đổi số tới có thể đong đếm của TPBank đó là tổng tài sản năm 2022 đạt 329.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021; tổng số khách hàng cá nhân là 9 triệu khách hàng, tăng 39% so với năm 2021, riêng trong năm 2022 có 3,5 triệu khách hàng mới – trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 khách hàng mới.
Anh Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty VNPAY trình bày tham luận tại hội thảo |
Còn anh Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty VNPAY đem đến một góc nhìn mới với tham luận “Đổi mới sáng tạo - Thực tiễn từ hoạt động của VNPAY”. Theo đó, qua tham khảo báo cáo thanh toán toàn cầu (Global payment report 2022) cho thấy có 3 hình thức thanh toán số phổ biến là: Thanh toán bằng công nghệ Contactless; thanh toán nhúng Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay; thanh toán qua Ví điện tử, Super App…
Trong khu vực Đông Nam Á, theo khảo sát thái độ thanh toán người dùng của Visa 2022 “Visa Consumer Payment Attitudes Study 2022” cho thấy, thanh toán thẻ không tiếp xúc (44%) và đang tăng trưởng mạnh; thanh toán bằng Mobile contactless (27%) và đang là xu hướng; thanh toán thẻ bằng cách quẹt/cắm chip (47%) và đang đi ngang và giảm dần.
Tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Visa ngày 28/4/2021 về xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam cho thấy, có 56% người tiêu dùng mang ít tiền mặt hơn; 68% người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt; 50% khách hàng đánh giá việc không sử dụng tiền mặt sẽ thuận tiện hơn. Hiện có 6 hình thức thanh toán số phổ biến đó là: QR Code, ví điện tử, thanh toán online bằng thẻ/QRCode, thanh toán chạm bằng thẻ, thanh toán chạm bằng điện thoại… Có thể thấy, thanh toán số đã trở nên rộng rãi và phổ biến trong đời sống người dân.
Toàn cảnh hội thảo |
Sau phần tham luận, đoàn viên đã được lắng nghe những chia sẻ hữu ích đến từ lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị của NHNN. Theo đó, phải khẳng định rằng thanh niên là nòng cốt, nhân tố quan trọng hàng đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Vì thế, thanh niên ngành Ngân hàng cần không ngừng học tập, nghiên cứu, cập nhật kiến thức, hiểu biết về công nghệ mới để thấu hiểu, đánh giá tác động của công nghệ đối với ngành Ngân hàng và lĩnh vực công việc mình phụ trách. Đẩy mạnh học tập, nâng cao trình độ, năng lực để ứng dụng dữ liệu và công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng cơ chế, chính sách của đơn vị…
Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn viên |
Anh Nguyễn Trung Anh - Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán: Ưu tiên của NHTW trong kỷ nguyên số Trong kỉ nguyên số, các NHTW cần xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin linh hoạt để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường khả năng đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật thông qua việc xây dựng những biện pháp mới để nhận diện, bảo vệ hệ thống ngân hàng khỏi các mối đe dọa, tấn công mạng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC). Thực tế, đồng tiền kỹ thuật số là sáng kiến mới trong ngành tài chính – ngân hàng trên thế giới để tăng cường khả năng truyền dẫn chính sách tiền tệ, kiểm soát nền kinh tế, đảm bảo vai trò của NHTW cũng như thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới. Song song với đó, NHTW cũng cần tăng cường khả năng quản trị, kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ. Việc quản trị tốt sẽ giúp NHTW đảm bảo tính toàn vẹn và ổn định hệ thống tiền tệ - tài chính quốc gia. NHTW cũng cần tăng cường khả năng tuân thủ, giám sát an toàn hoạt động, giám sát vi mô – vĩ mô để đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng. Anh Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số TPBank: 3 trụ cột giúp chuyển đổi số toàn diện 3 trụ cột giúp chuyển đổi số toàn diện đó là quy trình, con người và công nghệ. Trong đó, công nghệ là “chất xúc tác” quan trọng để chuyển đổi số toàn diện.Cần ứng dụng “Đúng” và ”Đủ” nền tảng công nghệ mới; đầu tư và tối ưu hạ tầng; chuyển đổi số một cách có lộ trình và theo trải nghiệm khách hàng, mục tiêu kinh doanh, tự chủ trong xây dựng và quản trị phát triển các công nghệ lõi. Ngoài ra, thay đổi tư duy con người là chìa khoá của chuyển đổi số thành công. Định hướng chuyển đổi số – sáng tạo số cần đến từ cấp lãnh đạo cao nhất và lan tỏa cho toàn bộ nhân viên. Cần khẳng định chuyển đổi số không phải nhiệm vụ của khối công nghệ mà từng cá nhân trong ngân hàng đều là các mắt xích quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, có đội ngũ quản lý công tác chuyển đổi số chung và lực lượng chuyên trách cho từng khối nghiệp vụ. Mỗi tổ chức cũng cần xây dựng và thúc đẩy văn hoá sáng tạo, liên tục cập nhật các khoá học nền tảng về ngân hàng số và chuyển đổi số vào hệ thống đào tạo, đưa đổi mới sáng tạo trở thành KPI tới từng cá nhân, đặc biệt là các lãnh đạo. Anh Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty VNPAY: SoftPOS - kỳ vọng thúc đẩy thanh toán số Tại Việt Nam, hiện có 4 loại thiết bị POS đó là: POS truyền thống; Mobile POS; SmartPOS và SoftPOS. Trong đó, SoftPOS là ứng dụng độc lập, không cần phần cứng chuyên dụng như máy POS thông thường. Nhìn thấy tiềm năng SoftPOS, VNPAY đã tiến hành xây dựng đội ngũ nghiên cứu và thực hiện công nghệ này. Đến 2022, VNPAY là đơn vị đầu tiên và thứ 22 trên thế giới đạt chứng chỉ PCI CPoC (Contactless Payment on COTS, COTS Commercial-off-the-shelf) cho giải pháp chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc. Như giải pháp thanh toán qua thiết bị POS thông thường, SoftPOS cũng có 5 chức năng chính là: thanh toán thẻ không tiếp xúc; tra cứu lịch sử giao dịch; xóa giao dịch; kết toán giao dịch và thêm tính năng hóa đơn điện tử. Trong một quy trình thanh toán, chỉ cần nhân viên bán hàng mở ứng dụng SoftPOS; nhập số tiền thanh toán; yêu cầu chạm thẻ; khách hàng ký tên và nhận kết quả giao dịch qua hóa đơn điện tử. Với sự linh hoạt và số hóa hoàn toàn, SoftPOS có thể triển khai tại cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ; triển khai thanh toán khi giao hàng; triển khai thanh toán trên phương tiện giao thông công cộng; triển khai thanh toán khi xếp hàng với những lợi ích ưu việt là chi phí thấp do không phải đầu tư thiết bị phần cứng; thanh toán không tiếp xúc tạo trải nghiệm nhanh, an toàn; tiết kiệm hóa đơn giấy do dùng 100% hóa đơn điện tử. Đặc biệt, có thể tích hợp vào ứng dụng, giải pháp khác nhau tạo thành giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp. Việc áp dụng công nghệ SoftPOS, số hóa hoàn toàn, kỳ vọng sẽ mang lại công nghệ vượt trội cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa. |