Chuyển đổi số tại các QTDND: Quan trọng nhất là quyết tâm
Xu hướng bắt buộc không thể đảo ngược
Số hóa trong hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính Việt Nam là xu hướng bắt buộc không thể đảo ngược. “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Co-opBank đã triển khai đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đa kênh, đa tiện ích tới các QTDND |
Chuyển đổi số trước tiên là sự chuyển đổi nhận thức của con người; là quá trình chuyển đổi toàn bộ mô hình, quan điểm các khái niệm và cách thức vận hành trên nền tảng công nghệ. Đây là một hành trình dài với nhiều thách thức và cần được bắt đầu với việc xây dựng một chiến lược với những kế hoạch, lộ trình cụ thể. Nhiều TCTD đã đi tiên phong trong chuyển đổi số và đang mở rộng các dịch vụ này ra toàn quốc kể cả khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa.
Giám đốc QTDND Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) Chu Thị Huyên cho biết, đại đa số khách hàng, thành viên của Quỹ đều đã sử dụng các thiết bị thông minh và đã sử dụng các sản phẩm dịch vụ số do các TCTD cung cấp. Việc cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thành viên của QTDND là tương đối khó khăn. Để phục vụ tốt khách hàng đang là một thách thức và đòi hỏi đầu tư rất nhiều nguồn lực của QTDND.
“Trong khi đó, với đặc thù hoạt động của mình, các QTDND tại Việt Nam nói chung và QTDND trên địa bàn huyện Thạch Thất nói riêng gặp nhiều thách thức hơn trong quá trình thu hút, tăng cường sự gắn bó và phát triển khách hàng bền vững trong tương lai. Để cạnh tranh được với các TCTD trên địa bàn, việc chuyển đổi số là vô cùng cấp thiết đối với các QTDND hiện nay”, bà Huyên nhấn mạnh.
Trước bối cảnh đó, trong những năm qua, Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank) đã luôn sát cánh, đồng hành cùng hệ thống QTDND đẩy mạnh các hoạt động cho vay, cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và thúc đẩy chính sách phát triển tam nông, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Co-opBank đã và đang tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các dịch vụ số, lấy QTDND làm trọng tâm để từ đó thay đổi toàn diện về tổ chức, văn hóa, cách thức làm việc, mô hình kinh doanh, thiết kế - cung ứng sản phẩm - dịch vụ và các mặt hoạt động của hệ thống QTDND dựa trên nền tảng số.
Đến nay, với sự nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số toàn diện, Co-opBank đã triển khai đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đa kênh, đa tiện ích tới các QTDND, từ đó thiết lập nền tảng cùng hệ thống QTDND chuyển đổi số.
Tạo dựng nguồn khách hàng bền vững cho tương lai
Tuy nhiên, Giám đốc QTDND Phùng Xá cũng chỉ ra, quá trình thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động QTDND thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy mô tài sản của Quỹ còn ở mức thấp, việc đổi mới công nghệ đối với các QTDND là rất khó khăn. QTDND chưa xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện tại đơn vị. Đặc biệt nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cán bộ QTDND còn hạn chế dẫn đến thiếu quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện. QTDND chưa có công cụ quản lý tài khoản, thực hiện chuyển tiền trên Mobile Banking khi sử dụng tài khoản thanh toán tại Co-opBank.
Để thực hiện thành công "kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thống đốc NHNN cũng như vì chính sự phát triển của QTDND, bà Chu Thị Huyên nhấn mạnh, để chuyển đổi số đạt hiệu quả cao thì 70% là quyết tâm chính trị, là sự vào cuộc và triển khai quyết liệt của lãnh đạo QTDND. Công nghệ chỉ chiếm 30%. Các QTDND cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để có nhận thức đúng đắn về mọi mặt của chuyển đổi số, lan truyền từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên; từ những cá nhân nòng cốt đến cộng đồng; từ những mô hình thành công, điển hình đến những cá nhân, đơn vị còn chần chừ, ngại thay đổi…
Bà Huyên cũng chỉ ra, các QTDND hiện có thế mạnh trong việc phục vụ các khách hàng người trung niên, cao tuổi. Tuy nhiên, sự chuyển giao thế hệ khách hàng tại các QTDND trong tương lai là tất yếu. Điều đó yêu cầu các QTDND phải quan tâm đến các khách hàng trẻ tuổi, để chuẩn bị nguồn khách hàng bền vững cho tương lai. Để làm được điều đó, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực, thay đổi trong tư duy, cách tiếp cận của bản thân mỗi QTDND mà còn có vai trò quan trọng của Co-opBank trong việc làm đầu mối hỗ trợ về công nghệ, nguồn lực.
Để thúc đẩy nhanh tiến trình số hóa hệ thống QTDND, bà Huyên mong muốn trong thời gian tới, NHNN Việt Nam, Co-opBank tiếp tục có sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao đến thực tế hoạt động của hệ thống QTDND để hệ thống phát triển ngày một an toàn, hiệu quả bền vững, phục vụ thành viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.