Chuyển đổi số tạo đột phá cho ngành bảo hiểm
Toàn cảnh Hội nghị |
Tăng tính tương tác với khách hàng
Có thể thấy năm 2023 đánh dấu những bước tiến vững chắc của công tác chuyển đổi số ngành Bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt qua việc triển khai Quyết định số 07/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển của thị trường Bảo hiểm Việt Nam đến năm 2023 với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực điều hành chuẩn quốc tế, khả năng cạnh tranh tích cực và hiệu quả.
Với những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở khi tin tưởng rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ có những bước phát triển tích cực trong thời gian tới.
Là một trong những địa phương quan tâm đến hoạt động chuyển đổi số ngành bảo hiểm trong phát triển nền kinh tế số, TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sự kiện sẽ tạo diễn đàn để các nhà quản lý, xây dựng chính sách, chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp đối thoại, chia sẻ về chính sách, thể chế, giải pháp quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường kết nối giữa các bên liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm; kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp và các địa phương trong các lĩnh vực liên quan”.
Tại Hội nghị, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan quản lý lĩnh vực bảo hiểm luôn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, hài hòa giữa quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm và lợi ích của khách hàng. Ngành bảo hiểm Việt Nam cũng đang chuyển mình với nhiều ứng dụng công nghệ chuyển đổi số hay còn gọi công nghệ bảo hiểm số (InsurTech) để hòa mình theo xu hướng kinh tế số. InsurTech sẽ xóa tan mọi cách thức hoạt động truyền thống trong hàng trăm năm qua của ngành bảo hiểm, làm thay đổi hành vi mua bảo hiểm cũng như phương thức quản trị của một công ty bảo hiểm.
Là một trong số những doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng chuyển đổi số, bà Vũ Lê Mộng Hà, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh – Kênh Đại lý, AIA Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã tập trung tận dụng hệ sinh thái để số hóa các sản phẩm bảo hiểm. Sản phẩm mà doanh nghiệp thiết kế là hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm sức khỏe kỹ thuật số, hướng đến một “giấc mơ lớn” giúp người Việt sống khỏe hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn. Với hệ sinh thái của AIA Vitality, sản phẩm bảo hiểm này ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ tư vấn và quản trị bệnh án cá nhân như đo dấu ấn sinh học, phán đoán triệu chứng bằng trí tuệ nhân tạo (AI), đánh giá và hướng dẫn dinh dưỡng; cung cấp mạng lưới khám bệnh từ xa và chăm sóc tại địa phương…
Tương tự, Manulife cũng phát triển ứng dụng ManulifeMOVE cung cấp hệ sinh thái khuyến khích người dùng tập luyện, chăm lo sức khỏe thông qua việc cổ vũ lối sống năng động với các thói quen đơn giản mỗi ngày. Đặc biệt từ 4/8 đến 6/8 giải marathon quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023 sẽ được tổ chức, ứng dụng bảo hiểm này sẽ được sử dụng để người tham dự vừa thực hiện thử thách, thi đấu vừa theo dõi các sản phẩm bảo hiểm của mình. Ứng dụng được xem là bước chuyển lớn của Manulife thông qua công cuộc số hóa các hoạt động kinh doanh và tăng cường tương tác với khách hàng.
Cũng tăng cường số hóa sản phẩm bảo hiểm, bà Thu Vũ, Giám đốc quốc gia, HIVE by Income Việt Nam khẳng định, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ “mở khóa” tương lai của bảo hiểm vì 80% dân số Việt Nam là người tiêu dùng kỹ thuật số. Do đó, đơn vị đã cho ra mắt các sản phẩm bảo hiểm được ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng, với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm như kết hợp với ngân hàng tạo ra sản phẩm bảo hiểm vi mô kỹ thuật số; hợp tác với JupViec để cung cấp bảo hiểm cho người giúp việc gia đình…
Các gian hàng tham gia Triển lãm |
Vẫn còn đó nhiều thách thức
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm phải đối mặt với nhiều thách thức như chuyển đổi mô hình quản lý, điều hành, thay đổi cấu trúc sản phẩm dịch vụ; hạn chế rủi ro cũng như bảo mật thông tin khi chuyển dần các hoạt động kinh doanh truyền thống lên môi trường mạng… Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết.
Ngoài ra, lợi dụng việc các công ty bảo hiểm chấp nhận thanh toán trực tuyến, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, các đối tượng thực hiện hành vi trục lợi tiền bảo hiểm bằng cách cần điền thông tin và cung cấp hình ảnh, giấy tờ liên quan qua hệ thống điện tử của nhà bảo hiểm để được chi trả nhanh chóng. Điều này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Cùng với đó, đầu tư cho chuyển đổi số các sản phẩm bảo hiểm là xu hướng tất yếu nhưng đầu tư ra sao và làm được đến đâu lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh cũng như định hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm.
Do đó, theo các chuyên gia, vấn đề bảo mật cần được thực hiện nghiêm ngặt trong quá trình số hóa dữ liệu khách hàng cũng như khi áp dụng công nghệ mới, ứng dụng mới để tiếp xúc với khách hàng như sử dụng chat-bot tự động, tư vấn trực tuyến…; các doanh nghiệp bảo hiểm cần quyết tâm chuyển đổi số dù phải chấp nhận khó khăn, sai sót, phải tính đến vấn đề con người, công nghệ và bảo mật an toàn thông tin.
Để thành công, các doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số đúng thời điểm, chọn đúng bài toán, đúng công nghệ và có đơn vị đồng hành trong quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh phiên báo cáo chính là các hội thảo chuyên đề "Ứng dụng công nghệ số nhằm gia tăng tính minh bạch và tối ưu hiệu quả vận hành trong ngành bảo hiểm" và "Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm số, nâng cao trải nghiệm và gắn kết khách hàng".
Song song với các sự kiện trên, triển lãm cấp cao ngành bảo hiểm được tổ chức với sự tham gia của hơn 20 nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu như Manulife, AIA, MB Ageas Life, FPT, Sapiens,...