Chuyển hướng "dòng chảy" kinh tế của nhựa
Kế hoạch hành động để giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch |
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó khoảng 280 nghìn đến 730 nghìn tấn bị thải ra biển. Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, gây ô nhiễm nguồn nước và làm tổn hại tới các sinh vật biển khác.
Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng và các chính sách cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Đơn cử Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn với các giải pháp cụ thể như lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; thúc đẩy các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm chứa vi nhựa và kiểm soát nhập khẩu phế liệu nhựa... Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030. Theo các chuyên gia, điều này có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với môi trường, việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa, mà còn là cơ sở để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.
Rác thải từ nhựa cũng là tiềm năng để phát triển kinh tế |
Chính sách đã mở đường, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp. Đơn cử, ngay từ năm 2020, Unilever Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Thông qua đó, Unilever đã thành công thu gom và tái chế 25.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời sử dụng chính các hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành bao bì, chai nhựa mới sản phẩm của doanh nghiệp. Những loại nhựa không thể tái chế sẽ được chuyển thành dầu đốt để tái sử dụng.
Trong khi đó, Công ty DUYTAN Recycling và Công ty Ajinomoto Việt Nam vừa ký kết hợp đồng hợp tác thu gom và tái chế bao bì nhựa theo chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo kế hoạch hợp tác, trong năm 2024, 2 doanh nghiệp này hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 94 tấn rác thải nhựa (tương đương 7,3 triệu chai nhựa). Bên cạnh đó, còn thông qua các hoạt động truyền thông để khuyến khích bảo vệ môi trường, tạo ra tác động mạnh mẽ và sự lan tỏa đến cộng đồng.
Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp tái chế cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty Cổ phần VietCycle chia sẻ, ngành tái chế nhựa nhiều lúc bấp bênh. Thứ nhất là về giá cả thị trường, ảnh hưởng lớn đến chi phí tái chế. Thứ hai là Việt Nam chưa có các quy định đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm tái chế khiến người tiêu dùng cũng chưa hào hứng đối với sản phẩm này. Chưa kể, còn chưa có chính sách khuyến khích và tạo ra thị trường sản phẩm tái chế nhựa.
Bên cạnh dó, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam nhận định, đối với doanh nghiệp tái chế, chi phí sẽ phụ thuộc vào việc lựa chọn giữa nguyên liệu là chất thải và phế liệu trong nước hay nhập khẩu. Hiện các hoạt động tái chế tại các doanh nghiệp đều mang tính tự phát hoặc chỉ là một bộ phận nằm trong dây chuyền sản xuất mà không được đầu tư một cách bài bản. Bên cạnh đó, các làng nghề chuyên tái chế thường bị ô nhiễm.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần gấp rút tăng tốc đầu tư cho công nghệ tái chế một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đây là khoản đầu tư rất lớn nên cũng cần phải có chính sách tiêu thụ sản phẩm tái chế cho phù hợp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Vượng mong rằng, các doanh nghiệp tái chế nhựa sẽ nhận được những hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ cũng như các nguồn tài chính xanh, tín dụng xanh từ các tổ chức tín dụng. Bởi các doanh nghiệp trong ngành này đa số đều yếu và thiếu cả về công nghệ, tài chính.