CIC công bố mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân trên nền tảng công nghệ và thuật toán mới
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Lễ công bố |
Từ năm 2015 CIC đã xây dựng thành công mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân đầu tiên (1.0) theo chuẩn quốc tế.
Việc xây dựng, phát triển mô hình chấm điểm tín dụng của CIC trước hết là nhằm mục tiêu hỗ trợ các TCTD từng bước chuyển đổi từ hình thức cho vay có đảm bảo bằng tài sản sang hình thức cho vay tín chấp dựa trên dự báo mức độ rủi ro của khách hàng. Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay, cho phép khách hàng vay biết được mức độ tín nhiệm của mình, qua đó tư vấn hỗ trợ khách hàng vay hoàn thiện điểm tín dụng cũng như nâng cao văn hóa tín dụng trong quan hệ ngân hàng.
Tuy nhiên, mô hình chấm điểm tín dụng cũ của CIC được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu theo các chỉ tiêu TTTD cũ quy định tại Quyết định 51/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin tín dụng của NHNN. Qua rà soát, kiểm định định kỳ, cho thấy độ ổn định, chính xác của mô hình cũ không còn đảm bảo do sự phát triển, mở rộng cơ sở dữ liệu của CIC liên tục trong những năm gần đây.
Ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc CIC phát biểu về những cố gắng của CIC trong triển khai mô hình chấm điểm mới |
Vì vậy, năm 2020 CIC đã triển khai xây dựng mô hình mới 2.0 với sự hỗ trợ của Tập đoàn NICE – Hàn Quốc. Mô hình chấm điểm thể nhân mới đã có các bước cải tiến nổi bật cả về phương pháp xây dựng, nguồn dữ liệu và phương thức vận hành.
Thông qua mô hình, toàn bộ khách hàng vay thể nhân sẽ được chấm điểm với tần suất định kỳ hàng tháng nhờ nền tảng công nghệ và thuật toán mới (học máy – machine learning).
Do đó, tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ; chất lượng sản phẩm dịch vụ liên quan được nâng cao, tiến tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc CIC giới thiệu về mô hình chấm điểm khách hàng thể nhân mới |
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: "Mô hình chấm điểm thể nhân mới đã có các bước cải tiến nổi bật cả về phương pháp xây dựng, nguồn dữ liệu và phương thức vận hành. Thông qua mô hình, toàn bộ khách hàng vay thể nhân sẽ được chấm điểm với tần suất định kỳ hàng tháng nhờ nền tảng công nghệ và thuật toán mới (học máy – machine learning). Do đó, tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ; chất lượng sản phẩm dịch vụ liên quan được nâng cao, tiến tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Lee Suk Won - Chuyên gia tư vấn cao cấp - Trưởng bộ phận tư vấn - Tập đoàn NICE - Hàn Quốc giới thiệu về phương pháp xây dựng mô hình CB 2.0 |
Để mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân mới 2.0 và các sản phẩm dịch vụ liên quan của CIC sớm phát huy được hiệu quả, được các TCTD và khách hàng vay tin tưởng khai thác, sử dụng Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị, CIC cần thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình vận hành mô hình chấm điểm tín dụng, định kỳ thực hiện hoạt động kiểm định, đánh giá tính ổn định, chính xác của mô hình; tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ mới để hoàn thiện, phát triển mô hình phù hợp với xu hướng phát triển của ngành báo cáo tín dụng và hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.
Cùng với đó, CIC phải tiếp tục phát triển, mở rộng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia; tìm kiếm và kết nối với các nguồn thông tin mới ngoài ngành (như các Bộ, ngành, các tổ chức tự nguyện, các doanh nghiệp tiện ích, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán lẻ…) để có thêm nguồn thông tin phục vụ đánh giá, chấm điểm tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm khách hàng mới, chưa từng có lịch sử tín dụng tại các TCTD;
Toàn cảnh Lễ công bố mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân 2.0 |
Ngoài ra, thông qua kết quả chấm điểm tín dụng, CIC cần chủ động nghiên cứu và phát triển các báo cáo phân tích, đánh giá tổng hợp chung về hoạt động tín dụng bán lẻ, xu hướng và mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng theo các tiêu chí khác nhau như (địa lý, giới tính, độ tuổi…), hỗ trợ các đơn vị NHNN trong công tác tham mưu chính sách tín dụng, phát triển tài chính toàn diện. Làm tốt công tác tuyên truyền để không chỉ các TCTD có thể khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan mà còn cung cấp rộng rãi cho người dân trên toàn quốc để giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm của mình, từ đó có phương án cải thiện điểm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng;
Cùng với đó, các TCTD cần chú trọng khai thác sử dụng điểm tín dụng khách hàng thể nhân và các sản phẩm dịch vụ liên quan từ CIC nhằm thực hiện tốt hoạt động quản trị rủi ro tín dụng, đánh giá khách hàng vay vốn được minh bạch, hiệu quả; có phản hồi, đóng góp ý kiến kịp thời để CIC tiếp tục hoàn thiện, phát triển mô hình. Cũng tại buổi Lễ công bố mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân 2.0 đại diện CIC đã trả lời các câu hỏi liên quan về hệ thống chấm điểm này.
Có thể nói, vai trò của chấm điểm tín dụng thể nhân đối với hoạt động ngân hàng là rất quan trọng. Vì vậy, CIC mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của đối tác tư vấn và của các TCTD, để hoạt động chấm điểm tín dụng của CIC thực sự là một công cụ hữu hiệu để góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay khách hàng thể nhân của các TCTD, đồng thời góp phần tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tiến tới phát triển mạnh kinh tế - xã hội.