CIC hướng tới trở thành cơ quan thông tin tín dụng hàng đầu khu vực
Các đơn vị ngoài tổ chức tín dụng có được khai thác sản phẩm của CIC? Thông tin tín dụng: Trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia |
Tổng giám đốc CIC trở thành Chủ tịch của ACRN |
Khẳng định vai trò, vị thế
ACRN được thành lập năm 2017, gồm 7 thành viên sáng lập là các cơ quan TTTD trong khu vực Châu Á, với mục tiêu hoạt động là chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động TTTD giữa các thành viên như xây dựng khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn dữ liệu, hệ thống CNTT…; thực hiện nghiên cứu các xu hướng trong ngành báo cáo tín dụng; Thúc đẩy trao đổi thông tin xuyên biên giới. Đến nay, Mạng lưới ACRN đã thu hút 10 thành viên chính thức là cơ quan/công ty TTTD hàng đầu tại khu vực và đã tổ chức thành công 4 Hội nghị thường niên, các cuộc họp thành viên 2 năm/lần cùng nhiều sự kiện khác trong khu vực.
Việc tham gia ACRN khẳng định những đóng góp của CIC với hệ thống TTTD khu vực nói chung và những nỗ lực phát triển hoạt động hợp tác đa phương hội nhập quốc tế nói riêng. Đặc biệt, tháng 7/2023, các thành viên ACRN đã tin tưởng và bầu chọn Tổng Giám đốc CIC là Chủ tịch của Mạng lưới nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đây là vinh dự lớn và cũng là thành quả xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của CIC Việt Nam trong suốt 6 năm hình thành và phát triển của ACRN khi CIC luôn thể hiện mình là thành viên chủ động, tích cực để thực hiện mục tiêu chung của Mạng lưới.
Đoàn công tác CIC tham dự Diễn đàn Hợp tác tài chính quốc tế (IFCF) lần thứ 7 tại Hàn Quốc |
Đẩy mạnh hợp tác đa phương
Từ năm 2022, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực. Cùng với đó, CIC cũng nhanh chóng khởi động lại các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động tham gia các diễn đàn, hội thảo thông qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp. Có thể kể đến Hội nghị bàn tròn trực tuyến về các quy định trong khu vực Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương về Báo cáo tín dụng do Hiệp hội ngành Thông tin Doanh nghiệp (BIIA) và Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức, Hội thảo “Tối ưu hóa nền tảng công nghệ đám mây để cung cấp dịch vụ tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu” do IFC và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức, Hội nghị TTTD khu vực tại Cambodia, Hội nghị TTTD toàn cầu WCCRC lần thứ 12 với chủ đề “Động lực mới thúc đẩy thay đổi trong ngành tín dụng - Cơ hội và thách thức đối với TTTD” tổ chức tại Tây Ban Nha; Diễn đàn Hợp tác Tài chính Quốc tế (IFCF) lần thứ 7 tại Hàn Quốc; Hội thảo FICO World 2023 tại Mỹ với chủ đề Sáng kiến phòng chống tội phạm tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động xếp hạng/chấm điểm tín dụng khách hàng vay; Hội nghị thường niên của Hiệp hội các nhà cung cấp TTTD tiêu dùng (ACCIS) 2022 và 2023 với chủ đề Cập nhật xu hướng mới và chia sẻ thực tiễn của các nước Châu Âu trong ngành TTTD....
Đoàn công tác CIC tham dự Hội nghị Thông tin tín dụng toàn cầu (WCCRC) lần thứ 12, tại Barcelona (Tây Ban Nha) |
Đoàn công tác CIC tham dự Hội thảo FICO World 2023 tại Mỹ |
Bên cạnh đó, CIC cũng đề xuất các chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo với các cơ quan TTTD quốc tế khác như Cơ quan Dịch vụ Thông tin Hàn Quốc (KCIS), Creditinfo hay các tổ chức quốc tế như Tổ chức tài chính quốc tế (IFC)… Đặc biệt, trong quá trình hợp tác, trao đổi, CIC đã đề xuất và được Cơ quan Dịch vụ Thông tin Hàn Quốc (KCIS), NICE, Creditinfo hỗ trợ các chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng vay, Hệ thống MyData, mô hình chấm điểm/xếp hạng tín dụng, nghiệp vụ lõi…
Đoàn công tác CIC tham gia chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng vay do Tập đoàn NICE tổ chức tại Hàn Quốc |
Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ
Song song với việc thu thập nguồn thông tin từ các TCTD trong nước, CIC duy trì và mở rộng hợp tác với một số hãng thông tin quốc tế như Công ty TTTD Experian, Hãng thông tin quốc tế D&B, Công ty ACP INT’L Holding… để thu thập, trao đổi thông tin để phát triển sản phẩm dịch vụ TTTD. Sản phẩm báo cáo thông tin doanh nghiệp ngoài nước (S70) với các thông tin chi tiết, cập nhật về doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới là nguồn thông tin tin cậy để các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về các đối tác nước ngoài, thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu hay giao thương quốc tế. Đồng thời, thông qua việc trao đổi thông tin với các hãng tin quốc tế, các tổ chức như Cục Lãnh sự, Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp FDI cũng được tiếp cận thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, thúc đẩy tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tài chính của doanh nghiệp Việt Nam.
Thực hiện tốt vai trò trong các dự án hợp tác quốc tế
Với vai trò là đơn vị đầu mối trong hoạt động thông tin tín dụng của NHNN, CIC luôn tích cực tham gia khảo sát, cung cấp thông tin/số liệu hoặc cử đại diện trực tiếp tham gia các chương trình của các Đoàn công tác quốc tế do NHNN chủ trì. Có thể kể đến Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tài chính và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO); Chương trình Khung Dữ liệu Liên thông ASEAN (AIDF) của Nhóm đặc trách của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA); Chương trình tìm hiểu, cập nhật thông tin kinh tế vĩ mô của Đoàn công tác của Cơ quan Giám sát Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO); Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật về Thúc đẩy Tài chính toàn diện và Tài trợ khí hậu cho NHNN của SECO; Quỹ Hỗ trợ Châu Á thịnh vượng và bền vững (JFPR) tài trợ ủy thác qua ADB quản lý; Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật hỗ trợ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ do ADB tài trợ. Nguồn dữ liệu do CIC cung cấp đóng vai trò quan trọng giúp các tổ chức quốc tế khảo sát tính khả thi cũng như đánh giá kết quả triển khai các dự án hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là hỗ trợ các đối tượng yếu thế, khó tiếp cận tín dụng như phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn từ các TCTD hay dự án tài trợ vốn quốc tế. Việc tham gia các dự án hợp tác cũng giúp NHNN nói chung, CIC nói riêng, tìm kiếm cơ hội hỗ trợ nguồn lực về vốn, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… từ các tổ chức quốc tế, từ đó thúc đẩy hoạt động TTTD phát triển, nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội của CIC.
Từ các hoạt động hiệu quả trên có thể khẳng định, hợp tác quốc tế là “chìa khóa” để nâng cao vị thế, uy tín của CIC trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội để CIC tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển CIC trở thành một cơ quan TTTD hàng đầu khu vực.