Cơ hội kích cầu tín dụng tiêu dùng
Đáp ứng tốt vốn tín dụng để phục hồi kinh tế |
Theo Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4/2022, con số này ước đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Cơ quan này cũng đưa ra nhận định, tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm nay của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.
Mảng tín dụng bán lẻ của ngân hàng Việt sẽ tăng theo cấp số nhân trong vòng 5-10 năm tới |
Theo các chuyên gia, những tín hiệu tích cực trên sẽ là cú hích cho tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nắm bắt thời cơ này, các nhà băng tung ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng hấp dẫn dành cho khách hàng. Đơn cử như MSB vừa cho ra mắt sản phẩm Vay thế chấp linh hoạt hỗ trợ khách hàng từ việc vay vốn mua nhà, xây, sửa nhà đến các nhu cầu tiêu dùng với mức lãi suất chỉ từ 4,99%/năm. Đại diện MSB cho biết, thông qua sản phẩm này, ngân hàng mong muốn đồng hành, chia sẻ phần nào mối lo lắng về tài chính đối với những nhu cầu thiết yếu như mua nhà, xây sửa nhà hay chi tiêu mua sắm của người dân. BacA Bank cũng đang triển khai Chương trình “Nhận khoản vay ưu tiên - Hiện thực mục tiêu sống” nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, sản xuất kinh doanh của khách hàng. Chương trình áp dụng với các khoản vay có tài sản bảo đảm, hạn mức lên đến 5.000 tỷ đồng và triển khai xuyên suốt năm 2022.
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, thẻ tín dụng nội địa – công cụ hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện và cũng là cú hích phát triển tín dụng tiêu dùng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết, với mục tiêu mang tới cho khách hàng giải pháp tài chính linh hoạt chi tiêu trong nước, hạn chế tín dụng đen, VietinBank mở rộng chính sách cấp tín dụng thẻ tín dụng nội địa đảm bảo phù hợp với mọi phân khúc khách hàng bao gồm cả phát hành thẻ tín dụng nội địa tín chấp và có tài sản bảo đảm, dành cho cả các đối tượng thu nhập thấp, chi lương hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, khách hàng có quan hệ tiền gửi, tiền vay…
Ngoài ra, bắt kịp xu thế số hóa đối với sản phẩm thẻ với đặc thù hàm lượng công nghệ cao, hiện nay khách hàng có thể dễ dàng phát hành thẻ online qua ứng dụng của ngân hàng hoặc phát hành trực tiếp tại quầy. Việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp khách hàng tối ưu mọi chi phí với lãi suất cạnh tranh chỉ 0%, phí thẻ thấp, bảo mật an toàn với tiêu chuẩn VCCS, giảm thiểu giao dịch gian lận, giả mạo, được chấp nhận sử dụng rộng rãi khắp cả nước.
Không thể phủ nhận tín dụng tiêu dùng đang là một “mảnh đất” màu mỡ để các nhà băng khai thác, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đều đang tích cực đẩy mạnh nguồn thu bền vững từ hoạt động bán lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu dùng số, thanh toán số, để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ mảng dịch vụ này, đòi hỏi các ngân hàng phải tích cực số hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đem đến trải nghiệm tốt nhất, nhanh nhất, tiện lợi nhất cho khách hàng của mình.
Thực tế, trong giai đoạn vừa qua, nhất là nhờ cú hích từ đại dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt đã có những bước tiến mạnh mẽ. Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển ngân hàng bán lẻ. LienVietPostBank đã ra mắt Phòng Giao dịch Số Thông minh (Digital Branch) mang tới cho khách hàng trải nghiệm khác biệt hoàn toàn so với các phòng giao dịch ngân hàng truyền thống. Với sự đầu tư mạnh tay cho số hóa, ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, lượng khách hàng mới của ngân hàng liên tục tăng mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng. Kết thúc năm 2021, tín dụng bán lẻ của ngân hàng này tăng 30% so với năm 2020, chiếm 74% trong tổng tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng.
Theo các chuyên gia ngân hàng, với sự hồi phục kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng, mảng tín dụng bán lẻ của ngân hàng Việt sẽ tăng theo cấp số nhân trong vòng 5-10 năm tới, cơ hội được mở ra cho tất cả ngân hàng. Song những ngân hàng tiên phong trong số hóa, sở hữu tệp khách hàng đa dạng... sẽ có nhiều lợi thế giành thị phần.