Cơ hội tăng tốc của ngành bán lẻ
Ngành bán lẻ dần bắt kịp tốc độ tăng trưởng trước dịch COVID-19 |
Trong điều kiện bệnh dịch được kiểm soát, khi các ngành dịch vụ và du lịch đã cơ bản phục hồi rõ rệt thì cũng là cơ hội cho ngành bán lẻ tăng tốc nhanh chóng từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát và suy thoái là hai yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, đặc biệt là tác động đến người có thu nhập thấp.
Với các nhu yếu phẩm, địa chỉ mua hàng ưu tiên lần lượt sẽ là các cửa hàng online, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và siêu thị. Nhóm mặt hàng không thiết yếu cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến qua các kênh bán hàng online thông qua một số nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Chotot... hay thậm chí là đặt hàng trên điện thoại, qua hotline.
Các doanh nghiệp bán lẻ đang nỗ lực vào thời điểm cuối năm. |
Chính vì nắm bắt được hành vi tiêu dùng này, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang tập trung khai thác sâu các kênh trực tuyến, các tiện ích (app) bán hàng, đồng thời tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy việc tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng trưởng doanh số bán hàng qua kênh online từ 100-200%, nhất là ở thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Một xu hướng phát triển khác của ngành bán lẻ là mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp. Đây có thể cũng là lĩnh vực sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới đây.
Theo Bộ Công Thương, hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ nên năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh hạn chế, lại có nhu cầu vốn lớn. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với các đối tác cùng ngành nghề để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý tiên tiến.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường nên dễ giành thị phần thông qua các thương vụ M&A doanh nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, công nghệ không chạm và thanh toán linh hoạt (không dùng tiền mặt) đang trở thành xu hướng và là một phần quan trọng của ngành bán lẻ hiện đại. Việt Nam hiện có hơn 20.000 cây ATM, hơn 347.000 POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Các nhà bán lẻ đã cố gắng và chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát triển các mô hình siêu thị mini (minimart) cũng là một xu hướng của ngành bán lẻ hiện đại. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mô hình này đang thể hiện ưu thế, giúp hạn chế tập trung đông người như ở các siêu thị lớn hay trung tâm thương mại.
Chính nhờ vào vị trí thuận lợi, đa dạng về sản phẩm hàng hóa đối với các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu nên đa số người tiêu dùng đang tăng dần sự lựa chọn tới các cửa hàng tiện lợi hay minimart. Đây chính là xu hướng mà các nhà bán lẻ đang nghiên cứu, nắm bắt để tập trung đầu tư cũng như tiếp tục đổi mới để tạo trải nghiệm phù hợp hơn cho khách hàng trong tương lai gần.
Với cơ cấu dân số trẻ, những người tiêu dùng Việt không chỉ sẵn sàng hơn cho chi tiêu mà còn dễ thích ứng với các phương thức bán hàng đa kênh, miễn là mang lại sự tiện lợi. Trong tương lai, hai mô hình quan trọng tạo nên thành công cho nhà bán lẻ sẽ là minimart và thương mại điện tử.
Minimart thường có vị trí địa lý gần hơn với người tiêu dùng, đây là một lợi thế so với các siêu thị lớn. Đồng thời, quy mô cửa hàng nhỏ hơn giúp các chuỗi minimart dễ dàng tìm kiếm địa điểm hơn so với các siêu thị và đại siêu thị.
Trong khi đó, thương mại điện tử và các tiện ích số ngày càng được phổ biến rộng rãi, tỷ lệ sử dụng dịch vụ số của người tiêu dùng tại Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2020-2021. Các tập đoàn lớn trong mọi lĩnh vực, từ tài chính tới bán lẻ hiện đều tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số để củng cố tính vững chắc của hoạt động kinh doanh và khai thác những cơ hội tăng trưởng mới.
Đại diện Tập đoàn Masan Group chia sẻ, một mô hình nữa là mini-mall sẽ bao gồm tất cả trong một nền tảng, đáp ứng các nhu cầu về cuộc sống, về nhu yếu phẩm, giải trí, tài chính của người tiêu dùng. Thay vì chỉ là nền tảng bán nhu yếu phẩm, Masan hướng tới kiến tạo giá trị nhiều hơn. Từng điểm bán sẽ phù hợp với nhu cầu của từng địa phương.
Mô hình này đã ghi nhận những tác động tích cực khi gia tăng được 30% số lượng khách hàng trên mỗi cửa hàng, tăng trưởng doanh thu 40% và dự kiến tiếp tục cải thiện trong giai đoạn tới.
Mục tiêu của mini-mall là đến năm 2025 sẽ phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Hướng tới 30 nghìn điểm bán trên toàn quốc và doanh thu là 7- 8 tỷ USD/năm, chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.