Cổ phiếu thủy sản có cơ hội từ xuất khẩu
Đơn cử, Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) tháng 1/2022 có mức tăng trưởng xuất khẩu 25% vào thị trường Mỹ, đây vốn là thị trường nhập khẩu đến 40% sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp; thị trường EU cũng có mức tăng 20% so với cùng kỳ, mặc dù thị trường Trung Quốc có giảm khoảng trên 36% do chính sách bảo hộ doanh nghiệp nội địa của quốc gia này.
Mặc dù vậy nhưng kết quả tháng 1/2022 của VHC doanh thu vẫn đạt 777 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mặt hàng phi lê cá tra của doanh nghiệp này vốn là thế mạnh trong các sản phẩm xuất khẩu và có sức cạnh tranh cao trong nhiều năm qua. Đặc biệt, các dự báo cho rằng xu hướng tiêu dùng sản phẩm này trong năm nay ở thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng đây là cơ hội phát triển kim ngạch xuất khẩu cho VHC.
Ảnh minh họa |
Kết quả kinh doanh tích cực đã đẩy thanh khoản cổ phiếu VHC trên thị trường, từ cuối tháng 2/2022 tín hiệu mua vào đã bật tăng khỏi vùng giá nền. Cổ phiếu VHC vốn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng thời gian qua, nhất là những nhà đầu tư giá trị. Agriseco Research dự phòng lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay có thể tăng trưởng từ 40-50%, cổ phiếu VHC được nâng giá mục tiêu lên 95.000 đồng/cổ phiếu khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu này ở vùng giá hiện tại (78.000 đồng/cổ phiếu).
Một trường hợp khác, Công ty cổ phần Thủy sản Sao Ta (FMC) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh số tiêu thụ đạt 11,2 triệu USD tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm thành phẩm tôm đạt 1.276 tấn tăng 41% và thành phẩm nông sản đạt 148 tấn gấp 2,8 lần. Trên thị trường, giá cổ phiếu FMC đầu tháng 3 giao dịch ở mức 61.400 đồng/cổ phiếu tăng 22% so với tháng 1 và là vùng giá cao kỷ lục kể từ tháng 12/2006.
Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tăng mạnh trở lại từ cuối năm ngoái, khi các địa phương áp dụng chính sách thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) doanh thu quý IV năm qua đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước đó và lợi nhuận tăng 24% lên 24 tỷ đồng, đưa doanh thu cả năm lên 2.190 tỷ đồng, lãi gần 83 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 38% so với năm liền kề.
Cổ phiếu nhóm ngành thủy sản đến cuối năm 2021 tăng khoảng 54,3% so với đầu năm cao hơn mức tăng chung của chỉ số chứng khoán VN-Index, trong đó các doanh nghiệp có hiệu quả tốt giá cổ phiếu đều có mức tăng cao, như IDI tăng 98%, FMC tăng 58%, VHC tăng 56%...
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định kim ngạch xuất khẩu quý I/2022 toàn ngành thủy sản có thể đạt khoảng 2 tỷ USD và mục tiêu xuất khẩu toàn ngành trong năm nay vào khoảng 9 tỷ USD. Theo SSI giá tôm xuất khẩu năm 2022 phục hồi sẽ tạo động lực cho các cổ phiếu được định giá tốt hơn.
Xuất khẩu thủy sản đang tận dụng được các hiệp định thương mại tự do như EVFTA… Hoạt động nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản là một trong 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên được vay vốn tiền đồng ngắn hạn với lãi suất 4,5%/năm, doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn ngoại tệ trả nợ được vay vốn ưu đãi. Hiện các ngân hàng cũng đang có nhiều dịch vụ bao thanh toán, L/C tới 98% giá trị khoản thu từ tiền xuất khẩu…
Hiện nay, cổ phiếu ngành thủy sản đang giao dịch ở mức 29x PE trượt 12 tháng và 1.93x PB, cao hơn mức trung bình trong ba năm nhưng gần khoảng biên lệch chuẩn +1. Chứng khoán KIS cho rằng định giá cổ phiếu ngành thủy sản được phản ánh qua kỳ vọng khả quan về kết quả kinh doanh sắp tới của các nhà xuất khẩu năm 2022. Tuy nhiên, thời gian qua mức định giá không cao nên cổ phiếu ngành thủy sản vẫn còn nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời ROE đang được phục hồi sau sự sụt giảm nghiêm trọng trong hai năm trước trong bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên cũng có những rủi ro nhất định, đơn cử giá cá tra nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến hiện nay đã đạt tới 30.000 đồng/kg tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng giá theo chu kỳ này do 4 năm trước người nông dân thua lỗ đã treo ao và bỏ nuôi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hiện nay cho chế biến xuất khẩu. Theo đó, giá xuất khẩu cá tra như của VHC tháng 1/2022 đã tăng lên 4,15 USD/kg so với mức 2,9 USD cùng kỳ năm 2021.
Dự báo giá cá tra có thể còn tiếp tục tăng với việc nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu ở mức cao trong khi nguồn cung cá nguyên liệu đang bị hạn chế. Theo FiinGroup, nhận định ngành thủy sản sẽ là một nhóm ngành hưởng lợi thời hậu giãn cách, với mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhưng có thể chưa bằng trước dịch bệnh Covid-19. Nhưng xu hướng nhập khẩu vẫn gia tăng rất nhanh ở các thị trường Mỹ…