Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Hưởng ứng cuộc thi viết về công tác dân tộc, tôn giáo
Theo đó, cuộc thi được tổ chức nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ) trong công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong CCVCLĐ; Trang bị kiến thức cơ bản về dân tộc, tôn giáo cho CCVCLĐ, không để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức của CCVCLĐ và các cấp công đoàn về vai trò của công tác dân tộc, tôn giáo đối với sự phát triển chung của đất nước; khơi dậy những giá trị nền tảng của đạo đức tôn giáo nhằm động viên CCVCLĐ thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tổng liên đoàn Lao động phát động "Công chức, viên chức, lao động viết về công tác dân tộc, tôn giáo" |
Văn bản cũng nêu rõ, các cấp CĐNHVN cần tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích đoàn viên, người lao động viết về công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới, về việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như: Nghị quyết số 25 NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị quyết số 24/NQ TW, ngày 14/8/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Nghị quyết số 120/2010/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc dân tộc thiểu số lần thứ II; những quan điểm mới của Đại hội XII của Đảng về dân tộc, tôn giáo...
Bên cạnh đó, theo văn bản số 123 /KH-TLĐ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thì các tác phẩm cần thể hiện hiểu biết, suy nghĩ, tình cảm, những ý kiến đóng góp của tác giả về các nội dung: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đóng góp của các dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào việc xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam; Những giá trị tích cực, có ý nghĩa của tín ngưỡng, tôn giáo thúc đẩy cán bộ, đoàn viên, CCVCLĐ hăng say lao động, sản xuất; Những gương cán bộ công đoàn, CCVCLĐ là đồng bào theo đạo, dân tộc thiểu số vượt khó sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác; Kết quả, mô hình, điểm sáng trong công tác thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Phát hiện, phản ánh những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoặc vấn đề dân tộc gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; Vai trò, nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong việc tuyên truyền, phổ biến những nội dung về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc tới CCVCLĐ cả nước; Trách nhiệm của cán bộ, CCVCLĐ trong việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Đặc biệt, tất cả cán bộ, đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước đều được tham gia dự thi. Tác giả tham dự không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật. Các tác phẩm dự thi có thể thuộc về các thể loại: bài phản ánh, phóng sự, ký sự, xã luận. Mỗi tác phẩm dự thi có độ dài từ 800 đến 2.000 từ, được viết bằng tiếng Việt, có hình ảnh minh họa. Tác phẩm dự thi phải là những sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... của các tổ chức, cá nhân. Tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi. Tác phẩm được đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4, sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam.