Công nghiệp hỗ trợ: Đón bắt xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, ngành CNHT cần phải chủ động và có những giải pháp ngay để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại.
Ðại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành CNHT, trong đó là tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, đặc biệt ở khâu cung ứng vật liệu.
PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho biết, các DN CNHT Việt Nam chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, tuy khó khăn nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới đối với Việt Nam. Dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư, những nhà cung ứng đến Việt Nam đang tạo nên sân chơi mới cho các DN CNHT Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các DN Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu và chiếm lĩnh thị phần hay không.
Ngành CNHT cần sẵn sàng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu |
Ông Nguyễn Vân cũng chia sẻ, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Nhưng nút thắt lớn nhất với các DN Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó, với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, và 2 FTA đang đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.
Điều lo lắng hiện nay là ngoài việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) trong khu vực vẫn còn hạn chế, thì mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam cũng vẫn còn thấp. Theo Báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện nay đang ở cấp độ “chế biến, chế tạo mức hạn chế” và cần cải thiện nhiều trong GVC để nâng cao năng suất.
Theo tính toán, GVC hiện chiếm 66% giao dịch thương mại, nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 28% tổng kim ngạch thương mại. Hiện 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các DN FDI thực hiện. Trong khi đó, khả năng các DN nội địa tham gia và được kết nối vào GVC còn hạn chế.
Năm 2020, ước tính cứ 1% tăng lên trong việc tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người hơn 1% (nhiều hơn 2 lần so với thương mại truyền thống). Do vậy, tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Vân cũng cho rằng, về trung và dài hạn, Việt Nam nên có những cải cách dựa trên sự kết hợp chặt chẽ công - tư, chủ động thu hút các nhà đầu tư khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất mới để đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai nhân tổ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu là đào tạo lao động chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kết nối. Trong đó tập trung phát triển các dự án hạ tầng KCN chuyên sâu - KCN hỗ trợ đã và đang được đầu tư. Đặc biệt là tập trung phát triển các DN ngành CNHT quốc nội. Các cấp ngành cần phối hợp thực hiện đồng bộ và quyết liệt “Giải pháp thúc đây phát triển ngành CNHT” được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020.
Có thể thấy, việc phát triển các ngành CNHT một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong cả nước. Theo HANSIBA, để thúc đẩy CNHT nội địa phát triển, cần giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển; cải thiện thủ tục hành chính. Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện theo hướng minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định, dự đoán được, từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi”. Quá trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ, chung tay của các bên liên quan như vai trò của Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội… Để từ đó, các DN Việt Nam, trong đó có cộng đồng DN ngành CNHT có thể chủ động và sẵn sàng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ngành CNHT, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2020, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT, trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu; giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. |