Công ty tài chính tiếp tục mở rộng mạng lưới khách hàng
Công ty tài chính tăng cường bộ đệm vốn để ứng phó khủng hoảng | |
Công ty tài chính đa dạng hóa sản phẩm nhằm thích ứng bối cảnh mới |
Dân số gần 99 triệu người cùng GDP bình quân đầu người năm 2021 khoảng hơn 3.100 USD, dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tiếp tục được đánh giá là tiềm tăng và dự báo sẽ hồi phục mạnh.
Hơn nữa, hiện nay một lượng lớn người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính của ngân hàng truyền thống sẽ trở thành động lực cốt lõi cho hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính.
Với những điều kiện thuận lợi đó, các công ty tài chính đều quan tâm và tập trung mở rộng thị trường bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh chuyển đổi số; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực để mở rộng mạng lưới hoạt động; phát triển các sản phẩm cho vay đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng và tạo điều kiện cải thiện đời sống kinh tế, xã hội.
Trong đó, hoạt động mở rộng mạng lưới khách hàng được các công ty tài chính xác định phục vụ tối đa khách hàng mục tiêu cũng như gia tăng độ phủ sóng thương hiệu nhưng vẫn phải đảm bảo bài toán quản lý chi phí và lợi nhuận.
Tại FE CREDIT – công ty tài chính chiếm thị phần lớn trong ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, đã và đang tập trung mở rộng mạng lưới trải dài trên toàn quốc với hơn 21.000 điểm bán hàng, 16.000 đối tác chiến lược và phục vụ hơn 13 triệu khách hàng trên toàn quốc. Riêng trong năm 2021, số lượng khách hàng hiện hữu của công ty đã tăng lên gần 6 triệu người, gấp 1,6 lần so năm trước.
Quay về 11 năm trước đây, khi mô hình vay tiêu dùng vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ với người dân, FE CREDIT đã nhận thức rõ nếu muốn tín dụng tiêu dùng trở nên gần gũi hơn với người dân thì phải đặt mục tiêu phát triển mạng lưới, tiếp cận sâu rộng đến khách hàng, đặc biệt là người dân ở các địa bàn xa.
Sau 5 năm khi công ty này xác lập thành pháp nhân độc lập, cùng rất nhiều nỗ lực tập trung tiếp cận khách hàng, số lượng điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của công ty đã tăng gấp 4 lần từ con số 3.000 điểm vào năm 2014 lên 13.000 điểm vào 2019 và hơn 21.000 điểm bán hàng đến cuối năm 2021.
Để gia tăng thêm các kênh tiếp cận tới khách hàng, công ty cũng mở rộng hợp tác chiến lược với rất nhiều đối tác lớn nhỏ. Khách hàng của FE CREDIT có thể dễ dàng vay mua hàng trả góp và tiếp cận các sản phẩm tài chính thông qua các cửa hàng phân phối, đại lý hàng hóa phủ rộng như Viettel, Thế giới di động, FPT Shop…
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu tiếp cận vốn vay của người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, FE CREDIT đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng của mình thông qua hệ thống hơn 10.000 Bưu cục/Điểm bưu điện Văn hóa xã của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) trên cả nước, nhằm giúp người dân có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về các kênh cho vay hợp pháp.
Song song đó, công ty cũng triển khai thành công mô hình bán hàng đa nhiệm thông qua việc hợp tác với các chuỗi bán lẻ lớn trên toàn quốc, tận dụng lực lượng bán hàng thuộc các đối tác để sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng.
Dù đã sở hữu một lượng lớn khách hàng nhất định nhưng đối với FE CREDIT, hoạt động mở rộng mạng lưới khách hàng luôn là chiến lược quan trọng trong việc giữ thị phần, tăng trưởng lợi nhuận cũng như tăng cường độ phủ thương hiệu, đặc biệt là sau sự gia nhập chính thức của đối tác chiến lược Nhật Bản vào công ty tài chính này.
Đại diện FE CREDIT cho biết: “Trong thời gian tới, cùng sự tham gia của cổ đông lớn SMBC, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính cho người lao động tại các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Được biết, Báo cáo khảo sát từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) mới đây cho thấy có 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại gần 20 thị trường nước ngoài, trong đó có 700 doanh nghiệp ở Việt Nam. Cũng theo khảo sát này, Việt Nam đứng đầu ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động 1-2 năm tới, chỉ hơn 2% doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc rời đi.