Covid-19 còn thách thức doanh nghiệp và người lao động đến hết quý II
Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp khó khăn, thất nghiệp tăng
Theo Tổng cục Thống kê, gần 85% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm.
Sản xuất kinh doanh khó khăn đã ảnh hưởng nặng nề đền việc làm của người lao động. Tính đến giữa tháng 4/2020, có tới 5 triệu người lao động bị mất việc, giảm việc làm vì Covid-19; trong đó, 13% mất việc, 28% giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 59% phải tạm nghỉ việc.
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý I vừa qua là 2,22%, tăng 0,07% so với quý IV/2019 và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
Những ngành có nhiều lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 1,2 triệu lao động; bán buôn, bán lẻ 1,1 triệu lao động; dịch vụ lưu trú và ăn uống với 740.000 lao động…
Việc làm khó khăn kéo theo thu nhập eo hẹp. “Tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I/2019 so với quý I/2018”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động của Tổng cục Thống kê cho biết.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2020 đạt 6,2 triệu đồng, tăng 353 nghìn đồng so với quý trước và tăng 473 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong các đối tượng gặp khó khăn, lao động phi chính thức, không có hợp đồng, thu nhập thấp hay lao động trẻ tuổi và cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch Covid-19.
“Khi có các biến động tiêu cực của nền kinh tế, lao động không được ký hợp đồng và lao động có việc làm phi chính thức dễ bị tổn thương nhất…”, bà Thủy nói thêm.
Nhưng, quan ngại hơn là dư âm tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ vẫn còn tiếp diễn. Tổng cục Thống kê dự báo với tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh và người lao động, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, kéo dài tới quý II.
- 84,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. - Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với hơn 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. - Gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động; trong đó, gần 34% doanh nghiệp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, trên 25% doanh nghiệp cắt giảm lao động. |
Cần kích cầu nội địa
Việc thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động là cấp thiết, giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói.
“Chính phủ đã phản ứng nhanh nhạy khi đưa ra nhiều gói hỗ trợ thiết thực và điều quan trọng bây giờ là triển khai nhanh và đúng, trúng đối tượng”, theo Vinh.
Tuy nhiên với dự báo dư âm dịch bệnh còn kéo dài, Tổng cục Thống kê cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh thì cần xem xét tới việc triển khai chính sách kích cầu nội địa để tạo công ăn việc làm, tăng cường sản xuất trong nước.
Tổng cục cũng nhấn mạnh để các chính sách Chính phủ đã ban hành phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các Bộ, ngành, các địa phương, cần thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo các gói hỗ trợ được triển khai kịp thời, đến đúng đối tượng.
Vụ trưởng Vũ thị Thu Thủy lưu ý thêm rằng cơ chế chính sách hiện nay chỉ là hỗ trợ, các doanh nghiệp và người lao động cần chủ động, tự đào tạo nâng cao kỹ năng để thích nghi với bối cảnh mới.
Và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệpnghiên cứu cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất - kinh doanh, tìm thêm nguồn nguyên liệu đầu vào, mở rộng thị trường cho đầu ra; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến...