CPTPP đang được tận dụng tốt hơn kỳ vọng
Thể chế vẫn cách xa thông lệ quốc tế | |
CPTPP là “cái cớ” để tự cải cách phát huy nội tại của nền kinh tế | |
Ngành phân phối - điện tử - logistics: Không lo ngại tác động của CPTPP |
Xuất khẩu tăng trưởng khá
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2020, do tác động của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực đã giảm tốc, điển hình như thị trường EU đạt 8,42 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên riêng các nước thuộc CPTPP vẫn đạt 9,9 tỷ USD, tăng 11,3% (cao hơn so với mức tăng 5% của quý I/2019); xuất siêu sang các nước CPTPP đạt 841,8 triệu USD.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương trong năm 2019 cũng cho thấy, xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP đạt mức tăng trưởng khá như Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%; Chile gần 1 tỷ USD, tăng 20,5%; Pêru đạt 350 triệu USD, tăng 40% so với năm 2018. Xuất siêu của Việt Nam sang các nước CPTPP đã đạt gần 4 tỷ USD.
Dệt may là ngành hứa hẹn được hưởng lợi nhờ CPTPP |
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương không đồng tình với một số thông tin cho rằng Việt Nam đã không tận dụng tốt CPTPP. Nguyên nhân do nhiều người vẫn trông đợi ảnh hưởng của CPTPP sẽ giống như TPP trước đây khi có Hoa Kỳ tham gia, nên họ nghĩ phải có tác động mạnh hơn. Tuy nhiên cần hiểu rằng khi Hoa Kỳ đã rút ra khỏi hiệp định thì cơ hội không lớn như trước nữa. Song để chuẩn bị cho các bước hội nhập cao hơn thì Việt Nam không thể thiếu CPTPP.
Theo đánh giá trước đây của Bộ Công thương, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường CPTPP chỉ tăng hơn 4% đến năm 2035, tương đương 1 năm tăng 700 triệu USD. Tuy nhiên nhìn vào kết quả thực tế trong 1 năm qua thì thấy rằng Việt Nam đã tận dụng tốt hơn dự báo đó. Hết năm 2019, hiệp định thực thi chưa đầy 1 năm nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các thị trường CPTPP tăng trưởng khá, đặc biệt là Canada và Mexico là 2 thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA trước đây, thì đều tăng trưởng 26-29%. Đánh giá tổng thể, trước đây cán cân thương mại của Việt Nam với thị trường các quốc gia CPTPP thường duy trì mức nhập siêu, thì năm 2019 xuất siêu gần 4 tỷ USD. Rõ ràng mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 có sự đóng góp của CPTPP.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đối với một FTA lớn như CPTPP thì 1 năm là khoảng thời gian chưa đủ dài để có thể đánh giá tác động. Đó là chưa kể năm 2019 là năm đặc biệt đối với thương mại quốc tế, khi căng thẳng thương mại xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt thương mại Mỹ - Trung bất ổn khiến dòng chảy thương mại biến đổi theo hướng không mong đợi. Nhiều nước xuất khẩu thậm chí chậm lại và giảm còn Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng. Vì vậy nếu không có CPTPP thì xuất khẩu của Việt Nam có thể còn không có được kết quả tích cực như vậy.
Cải cách thể chế nhanh hơn nữa
Theo các chuyên gia về hội nhập, lợi ích mà Việt Nam tận dụng được từ CPTPP không chỉ là gia tăng xuất khẩu nhờ được giảm thuế, mà còn là tác động của cải cách tổng thể. Vì trong hiệp định này có nhiều nội dung yêu cầu cải cách thể chế, từ đó đã tạo tác động lan toả để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang cả các thị trường lớn ngoài khu vực CPTPP. Đặc biệt bối cảnh năm 2019, trong khi một số quốc gia láng giềng rất khó khăn, như Thái Lan tăng trưởng xuất khẩu âm, Trung Quốc tăng trưởng rất thấp… thì Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khá, do vậy việc thực thi tương đối đáp ứng kỳ vọng ban đầu.
Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề mà Việt Nam có thể làm tốt hơn. Ví dụ một số lĩnh vực chúng ta ban hành văn bản pháp luật rất chậm. Thời gian tới cần tiếp tục có chương trình hành động để đáp ứng về mặt văn bản pháp luật và lớn hơn là tận dụng được theo hướng không chỉ đáp ứng hình thức, câu chữ trong hiệp định mà thông qua đó có lực đẩy để cải cách nền kinh tế tốt hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, hiện nay tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam mới đạt khoảng 39% năm 2018 - 2019. Riêng CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, do đó tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, thị trường. Đó là do các DN còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn, bề nổi như thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật... và thiếu thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Tương tự như vậy từ phía Nhà nước, quá trình triển khai CPTPP hơn 1 năm qua cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế mạnh mẽ hơn. Đó là thể chế đầu tư; ổn định kinh tế vĩ mô; chính sách ngành/chính sách công nghiệp; thể chế liên quan tới các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; thể chế về phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư…
GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài chia sẻ, tính đến cuối năm 2019, 9 nước thành viên CPTPP (trừ Pêru) đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký, là con số có ý nghĩa lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam. Ông Mại kỳ vọng, thời gian tới cùng với quá trình cải cách thể chế, CPTPP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác, nhất là các nước mà Việt Nam chưa có FTA như Canada (hiện đã thu hút được hơn 5 tỷ USD với 202 dự án, Mexico (hiện mới thu hút được khoảng 170.000 USD với 4 dự án)…