CPTTP: Dư địa tăng trưởng xuất khẩu còn lớn, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội
Ngày 7/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo "Hai năm thực thi hiệp định CPTPP tại Việt Nam đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp".
Phát biểu tại hội thảo, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá, CPTPP là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, việc thực thi hiệp định khá vất vả khi năm đầu tiên Hiệp định đi vào hiệu lực doanh nghiệp chịu tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, năm thứ hai lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Hiệp định CPTPP nằm trong top 3 FTA được doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao nhất, với 51% doanh nghiệp cho rằng, Hiệp định có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh của mình thời gian qua (chỉ thấp hơn các FTA với Nhật Bản, gần tương đương các FTA với Hàn Quốc).
Theo ông Vũ Tiến Lộc, với một Hiệp định mới chỉ có hiệu lực một năm rưỡi, lộ trình thuế quan hầu như chưa có lợi thế so với các FTA đã có, đây là kết quả lạc quan một cách bất ngờ. Hai năm thực thi CPTPP là bước khởi đầu quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có những bước đi tốt hơn về sau.
Tính từ thời điểm có hiệu lực ngày 14/1/2019, trải qua 2 năm thực hiện, doanh nghiệp Việt Nam đã có bước đi đầu tiên, nhưng là bước đi quan trọng, vì vậy việc đánh giá những vấn đề phát sinh là cần thiết.
Tuy nhiên, theo đánh giá tại hội thảo sau hai năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
"Xuất khẩu sang các thị trường đã có tăng trưởng sau hai năm thực thi CPTPP", bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ. Theo bà Trang, năm 2019 xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Tỷ trọng trong tổng xuất khẩu năm 2018 là 12,02%, năm 2019 là 13% và năm 2020 là 12,02%.
Với xuất khẩu thủy sản sang 6 nước CPTPP năm 2019 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2018. Năm 2020 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1,4%. Việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ dễ dàng hơn góp phần thúc đẩy tăng trưởng mặt hàng này như nguồn nguyên liệu nhập từ Australia, New Zealand để chế biến sản phẩm xuất sang Nhật Bản.
Từ những con số trên, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, có thể khẳng định CPTPP đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác nhưng cũng khó phân tách, định lượng được tăng trưởng nhờ CPTPP so với các FTA khác thế nào.
Bên cạnh đó, hiện thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Tại Nhật Bản chiếm 3,1%, tại Australia 1,9%, New Zealand 1,6%, Mexico 1,3%, Canada 1,1%, tại Singapore 1%.
Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, dư địa để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu còn rộng. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tận dụng cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh. Thứ hai, tạo sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và hình thành các chuỗi giá trị.
Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, theo báo cáo của VCCI có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu. Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Một thực tế bất ngờ khác nhưng không mấy lạc quan cũng được hé lộ từ đánh giá của doanh nghiệp về tác động chung của CPTPP. Trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (với 51-52% doanh nghiệp của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực) thì khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này (với 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì – với các FTA khác cũng như vậy). Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này.
Gia nhập Hiệp định CPTPP ngoài việc giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu thì còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo sức ép về cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực của mình.
Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Còn theo TS.Vũ Tiến Lộc, các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.