Củng cố vi mô - tiếp sức cho doanh nghiệp
Chính sách kinh tế nào cho giai đoạn hiện nay? |
Những số liệu mới nhất về tình hình DN trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm cho thấy các DN đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới và quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Theo số liệu mới cập nhật của cơ quan này, trong tháng 7 có 13.200 DN mới với số vốn đăng ký là 239.297 tỷ đồng, có 4.839 DN quay trở lại hoạt động. Những con số trên đã phần nào phản ánh những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân DN thời kỳ hậu Covid-19 đang được triển khai và bắt đầu có những hiệu quả nhất định. Đặc biệt, ngay khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động đã gia tăng mạnh mẽ cho thấy các DN phản ứng và thích nghi khá nhanh với những biến đổi của tình hình kinh tế - xã hội.
Ngay cả những DN lớn như Vietnam Airlines hiện cũng đã cạn kiệt sức lực |
“Trong trường hợp tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát và tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh phát triển của DN Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong thời gian tới, số lượng DN giải thể và chờ giải thể sẽ có xu hướng giảm dần”, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn hy vọng.
Cũng nhìn ra sự linh hoạt và sức sống của DN Việt, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, không ít DN Việt Nam cũng đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển sang cách tiếp cận “lưỡng dụng”: DN công nghệ tham gia sản xuất thiết bị y tế, hay DN may mặc sản xuất, xuất khẩu khẩu trang... Một số ví dụ điển hình như Vingroup và Bkav triển khai sản xuất máy thở, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Các DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tiên phong sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn…
Tuy nhiên số liệu về DN rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục thể hiện những ảnh hưởng dai dẳng của dịch bệnh đến cộng đồng DN và cho thấy vẫn còn nhiều những DN yếu dần. Cụ thể trong tháng 7 vẫn có 3.372 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4,8% so với tháng 6/2020. Bên cạnh đó còn có 3.068 DN ngừng hoạt động; 1.504 DN đã giải thể. Tính cả 7 tháng, số DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 21.802 DN, số DN giải thể là 8.937 DN.
“Những DN không quá yếu, có tiềm lực đã tự trụ được qua cơn sóng gió dịch bệnh đợt đầu, đến nay không cầm cự nổi vẫn phải ra đi đó là điều đáng lo”, PGS.TS.Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.
Đáng lo hơn là nhiều DN lớn như Vietnam Airlines cũng đang cạn kiệt sức lực. Trong khi giai đoạn khó khăn nhất của DN, của nền kinh tế vẫn đang ở phía trước khi mà đại dịch Covid-19 lại tái xuất hiện đang đe dọa sản xuất, kinh doanh thêm một lần nữa. Trong khi hiện chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị đứt gãy. Rất nhiều DN, nhất là ngành dệt may, da giày và gỗ không có đơn hàng mới; DN ngành du lịch đang lịm dần.
Vì thế phải để cho DN sống - sức sống của DN chính là sự sống của nền kinh tế; DN phục hồi, nền kinh tế mới hồi phục. Các chuyên gia cho rằng cần có cách cứu DN hiệu quả hơn. “Cần có một tầm nhìn cứu DN, dồn sức cho những DN có khả năng đứng dậy được giúp nền kinh tế vực dậy, từ đó kéo theo DN khác chứ không phải mang thuốc chia đều để tất cả chỉ sống thoi thóp”, ông Thiên nói và đề nghị dành một nguồn lực để hỗ trợ DN mới để tạo nền tảng cho một nền kinh tế mới, bên cạnh hỗ trợ DN, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Dương cũng bổ sung cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô duy trì sức sống của DN và thúc đẩy cải cách, đổi mới thể chế. Đưa thêm khuyến nghị ở một góc nhìn khác, TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dự báo, dịch bệnh tái xuất sẽ khiến kinh tế khó khăn hơn những tháng trước rất nhiều. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế bao nhiêu phần trăm là không quan trọng mà quan trọng là phải bảo toàn lực lượng DN, để DN khỏe lên năm sau sẽ tấn công vào các “cứ điểm” tăng trưởng. “DN nào mất đi trong những tháng tới mới là tổn thất khủng khiếp”, ông Tuấn nói.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, và bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt chính sách phải được thực hiện nhanh và hiệu quả. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ phát triển DNNVV nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động kinh tế, kích cầu và tăng cường sinh kế cho người dân.
Song song với đó cần khắc phục nhanh chóng đứt gãy nguồn cung; tiếp tục hạ lãi suất, giảm thuế phí phải tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh không để DN đã rất khó khăn lại phải chịu thêm áp lực thủ tục. Cần đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả những rủi ro, đặc biệt gắn với Covid-19.