Cuộc đua thẻ tín dụng nội địa
Thẻ tín dụng nội địa – xu hướng mới trong thanh toán tại Việt Nam | |
Thẻ tín dụng nội địa tiết kiệm chi phí | |
Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa |
Phát hành thẻ tín dụng nội địa tăng nhanh
Công ty Tài chính Tín Việt (VietCredit) đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ chip tín dụng nội địa dành cho tài xế công nghệ thuộc các hãng Grab, Baemin và ShopeeFood trên toàn quốc. Để triển khai sản phẩm thẻ, VietCredit đã liên kết với CTCP Chuyển mạch Quốc gia (Napas) và các hãng công nghệ vận tải để thiết kế các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu thanh toán tiêu dùng của đội ngũ tài xế.
Theo đó, khi đăng ký mở thẻ tín dụng nội địa VietCredit, các tài xế sẽ được áp dụng chính sách miễn tất cả các loại phí (bao gồm: phí mở thẻ, phí thường niên, phí cà thẻ, phí tin nhắn SMS, phí thanh toán khoản vay trước hạn…).
Khi sở hữu thẻ này người dùng có thể ứng tiền nhanh tại các ATM, thanh toán tiện lợi tại các siêu thị, quán ăn, trung tâm mua sắm có máy cà thẻ. Chính sách hoàn trả khá linh hoạt, chủ thẻ có thể chọn ngày thanh toán hàng kỳ phù hợp với khả năng tài chính của mình và khoản thanh toán được chia nhỏ đến 300.000 đồng/tháng, giúp giảm áp lực cho việc trả nợ tín dụng.
Ảnh minh họa |
Câu chuyện phát hành thẻ tín dụng nội địa cho tài xế xe công nghệ của VietCredit như vừa kể trên nằm trong xu hướng đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt tại thị trường nội địa đang được khá nhiều TCTD quan tâm và tập trung phát triển. Theo Chi hội Thẻ thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay đã có 85,7 triệu thẻ ghi nợ nội địa đang lưu hành, tăng 18% so với năm 2018. Top 5 ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất, đó là: VietinBank (18%), Agribank (17%), BIDV (16%), Vietcombank (15%) và Ngân hàng Đông Á chiếm 7%. Về thẻ trả trước nội địa, đến 30/6/2021 có 11/41 ngân hàng phát hành loại thẻ này, với tổng số thẻ đang lưu hành đạt hơn 4,3 triệu thẻ, tăng 69% so với năm 2018. Về thẻ tín dụng nội địa, có 9/41 ngân hàng phát hành với 248.011 thẻ, tăng 19% so với năm 2019. Các tổ chức thành viên có thị phần lớn là Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chiếm 34%, VietinBank chiếm 27%, Ngân hàng Á Châu (ACB) chiếm 13%, Ngân hàng Nam Á (NamABank) chiếm 12% và Công ty tài chính JACCS chiếm 10%.
Đánh giá về sản phẩm thẻ tín dụng nội địa của VietcapitalBank, anh Đỗ Thái Trung một người dùng tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, dòng sản phẩm này là một trong những dòng sản phẩm thẻ mang lại khá nhiều tiện ích cho người sử dụng. Với hạn mức từ 10 triệu đến 200 triệu đồng, chủ thẻ có thể sử dụng để thanh toán trong vòng 55 ngày mới phải hoàn lại mà không mất lãi và được miễn phí trong tất cả các giao dịch.
Không chỉ dòng thẻ của VietcapitalBank, các loại thẻ tín dụng nội địa ngân hàng trong nước đã phát hành như: thẻ Happy Card của NamABank, Napas-Family của Sacombank, VietinBank 2Card, ACB Express… hiện nay đều được người dùng đánh giá cao và số lượng phát hành đang tăng lên nhanh chóng.
Công cụ hữu hiệu hạn chế tín dụng đen
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Napas cho biết, tháng 1/2021 Napas và 7 NHTM (gồm: VietinBank, VietcapitalBank, ACB, HDBank, BaoVietBank, Sacombank và VietBank) đã hợp tác phát triển các dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa; Đến tháng 11/2021 đã có thêm 6 TCTD khác là Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank, OCB và Công ty tài chính VietCredit tham gia vào “cuộc đua” phát triển thẻ tín dụng nội địa. Với đặc điểm hữu ích là chi tiêu trước trả tiền sau, miễn lãi tối đa 55 ngày; chấp nhận thanh toán trên mạng lưới hơn 297.995 máy POS và 20.058 máy ATM hiện hữu của hệ thống ngân hàng, khi các NHTM tập trung đẩy mạnh dòng thẻ tín dụng nội địa sẽ tạo động lực rất mạnh để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
“Việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa với mức phí, mức lãi không đáng kể sẽ giúp ngày càng nhiều người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại, chính thống, từ đó hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen ở cả khu vực thành thị và nông thôn”, ông Minh nhận định.
Đồng quan điểm, bà Lưu Hồng Ngọc - Giám đốc Trung tâm Thẻ OCB cho hay, chỉ sau hai tháng triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa OCB Natural, hiện nay đã có hơn 1.000 khách hàng tham gia đăng ký mở thẻ. Với tính năng cho phép chủ thẻ được rút tiền mặt, miễn lãi lên đến 55 ngày, hiện thẻ tín dụng nội địa của OCB được nhóm khách hàng trẻ đánh giá cao, hỗ trợ tài chính khá tốt cho khách hàng, nhất là thời điểm kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Riêng ở khu vực nông thôn, theo đại diện của Agribank, trong tháng 12/2021 này, ngân hàng sẽ hoàn thiện pháp lý và kỹ thuật để triển khai mở rộng trên toàn hệ thống thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt - Agribank. Dòng thẻ này sẽ được phát triển trên nền tảng công nghệ chip EMV theo tiêu chuẩn của NHNN. Hiện Agribank nằm trong top ba ngân hàng có số lượng thẻ lớn nhất trong hệ thống với khoảng 14 triệu thẻ, với hệ thống ATM, POS ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, việc triển khai thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt có nhiều thuận lợi, bổ sung thêm giải pháp tài chính khẩn cấp cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.