Thẻ tín dụng nội địa tiết kiệm chi phí
Thẻ quốc tế phí cao
Theo một lãnh đạo kinh doanh thẻ của Vietcombank, trong suốt thời gian dài người Việt Nam dùng thẻ thanh toán đều phải thông qua các tổ chức chuyển mạch quốc tế như Visa, Mastercard, Amex, JCB… Mặc dù dịch bệnh Covid-19 không ai ra nước ngoài được, nhưng những người dùng thẻ thanh toán quốc tế để chi trả cho hàng hóa, dịch vụ trong nước vẫn phải trả phí toàn cầu cho các tổ chức chuyển mạch quốc tế.
Trong khi thực hiện chỉ đạo của NHNN, thời gian qua các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tuy nhiên, các loại phí liên quan đến thẻ thanh toán quốc tế không thể giảm hơn được nữa do các tổ chức thẻ quốc tế chưa có sự chia sẻ với các tổ chức tín dụng. Vì vậy Hiệp hội Ngân hàng đã nhiều lần đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng tại Việt Nam.
Thẻ tín dụng nội địa sẽ tiết kiệm chi phí cho người chi tiêu |
Theo Hiệp hội Ngân hàng, tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất lớn. Đặc biệt, đối với thanh toán, doanh số thanh toán thẻ quốc tế tính đến hết quý 2/2021 giảm 23% so với năm 2019, trong đó doanh số thanh toán tại nước ngoài giảm 85% so với năm 2019. Doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đã sụt giảm từ 50%-70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch.
Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam vẫn phải trả mức phí rất lớn cho tổ chức thẻ quốc tế. Trong giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa và tổ chức thẻ quốc tế Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại, với tổng giá trị mỗi tổ chức thu tới hàng trăm triệu USD. Cụ thể, tổ chức thẻ quốc tế Visa thu 270 đầu phí các loại; trong đó thu thanh toán là 102 đầu phí, thu từ phát hành 135 đầu phí và thu khác là 33 đầu phí. Bên cạnh đó, tổ chức thẻ quốc tế Mastercard thu 268 đầu phí các loại; trong đó thu thanh toán là 54 đầu phí, thu phát hành 72 đầu phí và thu khác lên tới 142 đầu phí. Hiện trong cơ cấu phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng…
Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị tổ chức thẻ quốc tế đơn giản hóa cơ chế thu phí để tránh tình trạng thu phí chồng phí; áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với một giao dịch; chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch hoặc chỉ áp dụng một mức phí đối với phí xử lý giao dịch rút tiền mặt, không phân biệt theo giá trị giao dịch. Cùng với đó, các tổ chức này cũng cần có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước, phù hợp với mức phí của tổ chức chuyển mạch thẻ đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm gì từ phía các tổ chức thẻ quốc tế này.
Đẩy mạnh phát triển thẻ nội địa
Theo một thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, thẻ tín dụng quốc tế hiện chiếm khoảng 15% tổng số lượng thẻ các ngân hàng đã phát hành trên thị trường, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế lại chiếm tỷ trọng rất cao trong mảng thẻ.
Một chuyên gia thẻ ngân hàng cho biết, các thẻ tín dụng (credit card) nói chung chi tiêu trước sau 45-55 ngày mới phải trả nợ không tính lãi, lại dễ sử dụng chỉ cần quẹt vào máy chấp nhận thẻ là thanh toán thành công, trong khi các thẻ ghi nợ (debit card) khi thanh toán chủ thẻ phải bấm mật khẩu. Đặc biệt, các tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế đang dốc nguồn lực để chiếm lĩnh thị trường thanh toán thẻ tín dụng Việt Nam nên thẻ tín dụng quốc tế có rất nhiều khuyến mãi cashback (hoàn lại tiền), giảm giá trực tiếp khi thanh toán những món hàng có giá trị lớn như mua tivi, tủ lạnh… Điều này cũng hấp dẫn những người thường xuyên chi tiêu bằng thẻ tín dụng để săn hàng khuyến mãi và thực hiện mua bán các sản phẩm hàng hóa có chính sách trả góp không tính lãi suất.
Tuy nhiên, người dùng thẻ tín dụng quốc tế nếu không thường xuyên ra nước ngoài hoặc chi tiêu ít thì riêng phí thường niên thẻ tín dụng quốc tế cao hơn thẻ tín dụng nội địa gấp vài chục lần.
Mới đây, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cùng với 13 ngân hàng và công ty tài chính đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa. Các hoạt động cụ thể được các ngân hàng, công ty tài chính triển khai gồm xây dựng các chương trình ưu đãi phát hành thẻ tín dụng nội địa; chính sách phê duyệt và cấp tín dụng linh hoạt, thuận tiện nhằm mở rộng đối tượng tiếp cận sản phẩm qua đó gia tăng số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành; mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ cập kiến thức, kỹ năng nhằm tạo thói quen sử dụng thẻ thanh toán thường xuyên. Về phía NAPAS, công ty sẽ xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ ngân hàng, công ty tài chính cũng như đảm bảo nguồn lực về hệ thống kỹ thuật, nhân sự triển khai các hoạt động thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết: “Thẻ tín dụng nội địa là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng/ tổ chức tài chính đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hàng ngày cũng như các khoản nhu cầu cấp bách của người dân. Với những giải pháp cụ thể cùng những cam kết chung giữa NAPAS và các ngân hàng, công ty tài chính, chúng tôi tin tưởng thẻ tín dụng nội địa sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới và đem lại nhiều lợi ích cho đại bộ phận người dân (đơn giản và bình dân hóa việc cấp tín dụng), góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen…”.
Cũng có chung nhận định như vậy, một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc NAPAS cùng các TCTD “bắt tay” thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ thẻ, giúp chủ thẻ không phải thanh toán những loại phí bất hợp lý của các tổ chức thẻ nước ngoài, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường trong nước.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 9/2021, các TCTD đã phát hành trên 110 triệu thẻ các loại ra thị trường, hiện nay ngoài thẻ vật lý còn có thẻ điện tử tích hợp trên app ngân hàng. Theo quy định người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên được quyền mở thẻ ngân hàng.
Trong đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn như giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Tổng số tiền phí trong hai năm qua ngành Ngân hàng giảm hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân sử dụng các dịch vụ thanh toán. |