Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa
Tạo sự khác biệt
Sau khi Napas “bắt tay” với 7 ngân hàng ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa hồi đầu năm nay, thời gian vừa qua nhiều ngân hàng đã triển khai phát hành thẻ tín dụng nội địa ra thị trường như BaovietBank, VietCapital... Đáng chú ý, mới đây, Napas và VietinBank đã ký kết hợp tác triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa 2Card.
Theo chia sẻ của bà Đặng Thị Tuyết Minh - Phó Giám đốc Khối Bán lẻ VietinBank, việc VietinBank là ngân hàng tiên phong hợp tác với Napas trong việc phát triển dòng sản phẩm thẻ kép 2Card nhằm đem lại những trải nghiệm hoàn toàn mới và khác biệt cho các chủ thẻ nội địa, cung cấp thêm nhiều tiện ích thanh toán với mức chi phí thấp cùng những ưu đãi vượt trội. Trước đó, VietinBank đã ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa iZero khách hàng có nhu cầu chi tiêu trước, thanh toán sau, các khách hàng yêu thích chi tiêu thẻ với mức phí thấp.
Là một trong 7 ngân hàng bắt tay với Napas ra mắt thẻ tín dụng nội địa đầu tiên, lãnh đạo HDBank cho biết, sau một thời gian triển khai, thẻ tín dụng nội địa HDBank – Napas đã nhận được sự quan tâm và tin tưởng sử dụng khách hàng nhờ ưu điểm công nghệ bảo mật bằng chip EMV mã hóa thông tin, chống gian lận, giả mạo nhiều ưu đãi giảm giá đặc quyền dành riêng cho chủ thẻ HDBank.
Dễ nhận thấy, thẻ tín dụng nội địa được các ngân hàng phát hành dành cho tất cả khách hàng, nhưng đặc biệt nhắm tới đối tượng khách hàng tầng lớp cho thu nhập trung bình thấp (từ 3-5 triệu đồng/tháng). Đại diện của VietCapitalBank cho biết, thẻ Napas Bản Việt Standard và thẻ Napas Bản Việt shopON được thiết kế để hướng tới phục vụ các nhu cầu mua sắm, thanh toán của khách hàng có thu nhập trung bình và thấp dựa trên tín chấp. Đây là tệp khách hàng rất tiềm năng vì thu nhập của người dân Việt Nam vẫn ở mức trung bình so với khu vực.
Thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiện ích vượt trội hứa hẹn tăng sức hút người dùng; thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, nhiều hơn so với mức 45 ngày ở các loại thẻ tín dụng khác; sử dụng trên mạng lưới thanh toán POS và ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng. Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết rất kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa không chỉ góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà còn đẩy lùi các hoạt động tín dụng đen.
Đẩy lùi tín dụng đen
Cũng có ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng phát hành thẻ nội địa, sẽ gây lãng phí và không cần thiết, bởi nhiều người tiêu dùng đang sở hữu thẻ Visa, Mastercard... Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc có thêm phương thức thanh toán mới, sẽ giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Điều này gia tăng cạnh tranh giữa các thành viên tham gia thị trường thanh toán.
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký VNBA cũng nhận định, phát hành thẻ chip tín dụng nội địa là cần thiết để tạo ra một loại thẻ thương hiệu riêng của Việt Nam cạnh tranh với thẻ thanh toán quốc tế với chi phí cao. Theo quan điểm của TS. Hùng, hiện nay quá vô lý là ngay tại thị trường nội địa mà người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, tốn nhiều chi phí cho 2 tổ chức phát hành thẻ nước ngoài. Trong giai đoạn dịch bệnh, 2 tổ chức này cũng không chia sẻ giảm phí cho người tiêu dùng dù nhiều lần kêu gọi. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, người dân Việt Nam cũng không đi du lịch ở nước ngoài nhiều. Nên việc sử dụng các loại thẻ tín dụng quốc tế tốn kém hơn. Trong khi thẻ tín dụng nội địa thì mức phí sử dụng sẽ thấp hơn, khuyến khích được các cửa hàng, dịch vụ sẵn sàng thanh toán bằng thẻ nhiều hơn, giảm tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế.
Việc đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa theo đánh giá của TS. Châu Đình Linh là hoàn toàn hợp lý mang lại lợi ích toàn nền kinh tế: Một mặt vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài, mặt khác thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bài toán phí hợp lý cũng tạo động lực sở hữu của các bên khác nhau gồm cả nhà thanh toán và người sở hữu thẻ. Hiện tại phí thanh toán thẻ của các tổ chức quốc tế cao đánh vào lợi nhuận làm giảm động lực cho đơn vị chấp nhận thanh toán. Do vậy, khi phí sử dụng thẻ tín dụng nội địa thấp, nhiều điểm thanh toán thẻ được thì người tiêu dùng sẽ cân nhắc sử dụng. Quy định mở thẻ tín dụng nội địa không quá nhiều giúp việc sở hữu thẻ dễ dàng hơn. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.
Lợi ích đối với ngân hàng từ sản phẩm dịch vụ mới này cũng không nhỏ. Nếu triển khai hiệu quả gia tăng thu từ phi tín dụng thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững. Mặt khác, việc thuyết phục điểm chấp nhận thanh toán nhiều hơn không chỉ giúp ngân hàng quản lý dòng tiền ra vào hiệu quả mà còn cung cấp thêm dịch vụ thanh toán, tín dụng cho các đơn vị này.
Để hút khách sử dụng thẻ tín dụng nội địa nhiều hơn, TS. Châu Đình Linh cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ từ hạ tầng công nghệ phải tương đương với tổ chức phát hành thẻ quốc tế, các giá trị gia tăng đi kèm cũng phải tốt. Chẳng hạn, mức lãi suất, phí thường niên, các chương trình khuyến mại... dành cho chủ thẻ tín dụng nội địa có tốt hơn so với các loại thẻ tín dụng không. Rồi vấn đề quảng bá tuyên truyền rất quan trọng để làm sao người mở thẻ hiểu biết được về sản phẩm và những lợi ích mang lại khi sử dụng.
Thẻ tín dụng nội địa có thể coi là bước đầu tiên trong xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán. Khi làm chủ được hệ thống thanh toán, các ngân hàng sẽ tiến tới giai đoạn tích hợp các dịch vụ thanh toán chỉ trong một thẻ này và chắc chắn khi đó khách hàng sẵn sàng lựa chọn ngay mà không phải mất công sử dụng nhiều loại thẻ như hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, đây là thẻ tín dụng cần phải quan tâm đến yếu tố đo lường rủi ro của người mở thẻ để cân đối hài hoà bài toán lợi ích và rủi ro.