Đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa
Hàng Việt tăng sức cạnh tranh thị trường nội địa Động lực tăng trưởng chuyển về thị trường nội địa Các doanh nghiệp ngành gỗ hướng về thị trường nội địa |
Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước. |
TS Trần Du Lịch cho biết, Chính phủ nhiều lần dùng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây, chúng ta dùng "cỗ xe tứ mã" gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế. Chưa bao giờ nhiều Nghị quyết của Quốc hội áp dụng nhiều cơ chế đặc thù cho các công trình giao thông, Chính phủ lập nhiều tổ tháo gỡ các điểm nghẽn từ lĩnh vực bất động sản đến các dự án khác như năm 2023.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng xuất khẩu đã trở lại, đây là tín hiệu cho thấy xuất khẩu có thể cải thiện trong 2024. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đã được tháo gỡ được rất nhiều. Hy vọng từ quý I/2024 nhiều dự án tái khởi động sẽ kích ngành xây dựng đi lên. "Tôi cho rằng đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế", TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Có cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho hay, các bánh xe của cỗ xe tứ mã đều khởi sắc. Trong đó bao gồm đầu tư công, sản xuất công nghiệp trong quý 4 cũng khởi sắc, đơn hàng xuất khẩu quay trở lại, thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng vốn FDI tăng 15%.
Trong cấu trúc các ngành, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa đóng góp khoảng 75%-80% của tăng trưởng năm 2023. Sang năm, cầu tiêu dùng vẫn sẽ đóng góp chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó là sự lan tỏa của các gói đầu tư công, các gói kích cầu, xuất khẩu.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, xuất khẩu còn gắn với doanh nghiệp nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 70-75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. "Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
Đối với vấn đề khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt", theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế GTGT từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế GTGT là đóng góp nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực.
Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm từ lần 6 tháng theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO cho biết, vừa qua, KIDO cũng đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Ngay như chợ Bến Thành cũng đang ứng dụng công nghệ vào bán hàng online. "Khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng thì cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi", ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
Cùng với việc phối hợp với Tiktok, KIDO cũng sẽ cùng với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai việc bán hàng qua thương mại điện tử tới các chợ truyền thống khác, mục tiêu là bán được hàng.
Không dừng lại ở đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh triển khai cho tất cả hiệp hội ngành hàng, tham gia để cùng nhau thảo luận, trao đổi, trong đó có Tiktok và các chuyên gia, làm sao tìm ra giải pháp bán được hàng nhiều hơn. Làm sao để các tiểu thương thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi.
Ông Trần Lệ Nguyên cho biết, như chương trình bán hàng online kích cầu ở Cần Giờ, lượng hàng bán được gấp 10 lần bình thường. Các tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng cũng đạt doanh số gấp 10 lần cho thấy cần phải tiếp tục triển khai cho các chợ đầu mối, tiểu thương tiếp cận xu hướng này. Các doanh nghiệp muốn bán được hàng trên các nền tảng phải có đầu mối hỗ trợ về xây dựng nền tảng, nội dung.
Theo bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng như bảo đảm thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm, điều chỉnh giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành. Cụ thể, để đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố.