Hàng Việt tăng sức cạnh tranh thị trường nội địa
Khu vực Nam Á - dư địa lớn cho hàng Việt | |
Tăng lực cho hàng Việt trong bối cảnh mới |
Hệ thống VinMart & VinMart+ hoạt động rất hiệu quả |
Thị trường nội địa với nhu cầu của gần 100 triệu dân cùng với tiềm năng còn rất lớn đang được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các DN Việt Nam. Theo khảo sát nhu cầu hàng tiêu dùng cho thấy, có đến 36% người tiêu dùng Việt có thói quen mua hàng nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn và thay vào đó là sử dụng hàng Việt Nam. Điều này khẳng định các DN Việt đã không ngừng đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng, đặc biệt là sự quảng bá, gần gũi, giúp sản phẩm Việt đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại.
Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỷ trọng cao. Theo đó, hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 80-90% trong hệ thống siêu thị của DN trong nước. Đơn cử như, Co.opmart 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 90%, BRG Retail 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80%.
Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc VinCommerce chia sẻ, công ty đang có bước phát triển vững chắc ở thị trường nội địa và hệ thống VinMart & VinMart+ đã liên tiếp 3 năm liền (2018, 2019, 2020) giữ vững vị trí số 1 trong top 10 công ty uy tín ngành bán lẻ do Vietnam Report bình chọn. Sau 6 năm hoạt động, VinMart & VinMart+ đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 58 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với trên 6 triệu khách hàng thân thiết.
Trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, VinCommerce vẫn tăng trưởng vượt trội trong năm 2020, đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Các chiến lược tái cấu trúc và cải thiện hoạt động bắt đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, VinCommerce dự kiến phục vụ 300 triệu lượt khách hàng, doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 31.000 tỷ, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Định hướng chiến lược giai đoạn 2021– 2025, Hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh.
Trên thực tế, mặc dù có nhiều lợi thế sân nhà nhưng các DN Việt vẫn đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều FTA.
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của thế giới tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường Việt Nam. Riêng với Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực vào ngày 1/8, những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của EU được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Qua đó, nhiều thương hiệu, DN phân phối, sản xuất lớn đến từ các nước có tiềm lực rất mạnh, nguồn hàng hóa phong phú, dồi dào sẽ tạo một áp lực cạnh tranh không hề nhỏ, nhất là đối với các DNNVV Việt Nam. Trong khi đó, lực lượng DNNVV hiện đang chiếm đa số với nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, năng lực sản xuất nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các sản phẩm của DN nước ngoài.
Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG cho biết, sau 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hapro đã có một số sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích. Riêng năm 2020 có 2 sản phẩm của Hapro được tôn vinh là gạo Đồng Vàng đặc biệt được sản xuất tại tỉnh Đồng Tháp và sản phẩm kem của Công ty CP Thủy Tạ. Việc sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt được ưa thích cho thấy hàng Việt đã chiếm được sự tin tưởng, qua đó tạo động lực cho DN đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo nhận định của các chuyên gia, để cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng không phải là điều dễ dàng đối với các DN, bởi vậy mà các DN trong thời gian tới vẫn cần phải có bước chuyển mình hơn nữa, sẵn sàng cho giai đoạn hậu Covid-19. Đồng thời các DN Việt cần tạo sự liên kết chặt chẽ, hợp tác để nâng cao sức mạnh.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai đến nay đã góp phần thúc đẩy hàng Việt Nam dần dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và giữ được sức sống mạnh mẽ trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua việc hàng Việt Nam vẫn được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, có độ phủ sóng lớn tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhiều khu vực và dần khẳng định được hình ảnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp.