Động lực tăng trưởng chuyển về thị trường nội địa
HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 6,9% |
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng mạnh chủ yếu do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, chứ không đến từ yếu tố tiền tệ như lạm phát các năm 2007-2008 và 2011-2012. Về phía cầu tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi thận trọng của tiêu dùng trong nước, chưa đủ sức tạo áp lực làm tăng mạnh CPI.
Đây là hai biểu hiện cho thấy điểm khác biệt rất lớn trong biến động CPI của Việt Nam so với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Do khác biệt như vậy, nên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam cần được đặt trong cân đối hàng hóa - tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng. Các chính sách tiền tệ và tài khóa phải hướng được dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ưu tiên nhất hiện nay là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh |
Song, hiện nay do ảnh hưởng vòng hai của giá cả nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển chưa lớn, nhưng sẽ mạnh hơn trong hai quý cuối năm. Nếu ảnh hưởng vòng hai đủ lớn, áp lực lạm phát vào quý IV sẽ lớn, nhưng tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm khả năng cao vẫn nằm trong mục tiêu không quá 4%. Nhìn chung, giá lương thực thực phẩm tại Việt Nam chưa tăng cao như nhiều quốc gia khác do chúng ta chủ động tốt về sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, giá điện hơn 3 năm nay chưa được điều chỉnh tăng. Đây là cơ sở tốt để trong ngắn hạn có thể giảm thiểu được tác động của biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu khác do nhà nước kiểm soát giá tới đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trung hạn trở đi (đặc biệt là sang năm 2023), được dự báo sẽ tạo ra áp lực đối với công tác điều hành giá của Chính phủ.
Chính phủ đã có thời gian dài duy trì được tỷ lệ lạm phát ở mức thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao hàng năm, từ đó đã tạo được niềm tin trong công chúng về mục tiêu và khả năng kiểm soát lạm phát tốt hơn giai đoạn trước. Điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì và củng cố niềm tin của người dân. Nếu doanh nghiệp và người dân lo ngại tỷ lệ lạm phát vượt quá khả năng kiểm soát của Chính phủ thì kỳ vọng lạm phát sẽ chuyển từ vùng thấp sang vùng cao, tạo ra vòng xoáy tiền lương và lạm phát, góp phần làm lạm phát tăng và gây ra khó khăn cho điều hành vĩ mô.
Dịch vụ san sẻ gánh nặng cho công nghiệp
Tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao so với các năm trước cho thấy tín hiệu nền kinh tế đang tiếp đà phục hồi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Dự báo kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý III do nền của quý III năm ngoái thấp (giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, nếu đặt trong mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội 2021-2025 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua là tăng trưởng bình quân 6,5-7% thì khả năng cao khó đạt được mục tiêu.
Một trong những động lực tăng trưởng của 6 tháng đầu năm là xuất khẩu, đang dần chậm lại. Gần đây đơn hàng của một số mặt hàng còn tiếp tục giảm do cầu tiêu dùng của các quốc gia nhập khẩu suy giảm. Bên cạnh đó, luỹ kế 6 tháng, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm 8,1% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong vòng 5 năm, riêng vốn đăng ký cấp mới giảm tới 48,2%. Những biểu hiện đó cho thấy bối cảnh kinh tế thế giới có chiều hướng xấu đi, khiến các động lực từ bên ngoài khó có thể giữ được lực đẩy đến nền kinh tế Việt Nam như trong 6 tháng đầu năm.
Trong tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2022, động lực đến chủ yếu từ hoạt động công nghiệp, đặc biệt là chế biến chế tạo. Tuy nhiên trong quý III, động lực này sẽ bị ảnh hưởng do chi phí nguyên vật liệu và năng lượng tăng cao. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới một số ngành sử dụng nguồn năng lượng này, nên cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ phía nhà nước và gián tiếp tới các chủ thể kinh tế. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó đồng ý với phương án giảm về mức sàn trong Biểu khung thuế suất. Để chủ động ứng phó với khả năng giá xăng dầu còn tiếp tục tăng, cần chủ động xây dựng phương án để trình ra Quốc hội giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tiến triển trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022, nhưng phải nhìn nhận thấu đáo số liệu này vì các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) sẽ cần thời gian từ 6 tháng đến 1 năm tùy vào từng ngành nghề và điều kiện thị trường mới có thể đạt mức công suất dự kiến. Bên cạnh đó, do sản xuất công nghiệp gặp khó nên cần đẩy mạnh ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, mở cửa mạnh hơn để đón khách quốc tế, san sẻ gánh nặng cho khu vực công nghiệp. Khi du lịch phục hồi mạnh mẽ hơn, sẽ góp phần lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế cao hơn. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm cũng sẽ là động lực quan trọng đối với tăng trưởng.
So với thời kỳ trước đây (2007-2008 và 2011-2012), hệ thống TCTD đã có sự cải thiện trong công tác quản trị và kiểm soát rủi ro tín dụng, nguồn vốn đã được gia tăng. Vì vậy, không nên quá lo ngại việc duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay sẽ gây ra rủi ro lớn cho hệ thống. Điểm thuận lợi nữa là thị trường cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản tăng mạnh (có tình trạng đầu cơ) trong hai năm 2020 và 2021 đã được điều chỉnh ngay từ trong quý I/2022, nên thời điểm hiện nay chưa phải là áp lực quá lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa. Vì vậy ưu tiên nhất hiện nay đối với công tác điều hành là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.