Khai thác tốt thị trường nội địa để tăng tổng cầu
Gia cố động lực tăng trưởng kinh tế từ thị trường nội địa Các doanh nghiệp ngành gỗ hướng về thị trường nội địa |
Phát huy sức mạnh của thị trường nội địa
Theo TS. Trần Du Lịch, Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh “3 động lực phát triển” là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây, chúng ta dùng hình ảnh “cỗ xe tứ mã”, đó là tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh như vậy cho thấy, tính linh hoạt ứng biến về chính sách của Chính phủ trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm. Theo đó, năm 2023 dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, mức này tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, vừa qua Quốc hội đã quyết kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8% đến 30/6/2024. Giảm thuế giá trị gia tăng là công cụ quan trọng, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng lại tăng được sức mua thị trường nội địa.
“Riêng hệ thống tiêu dùng thì việc tổ chức mạng lưới phân phối nội địa chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào các nhà bán lẻ nước ngoài. Làm sao trong tương lai các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có vị trí xứng đáng trong thị trường nội địa. Tôi không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài - trong nước, nhưng mong muốn có nhiều doanh nhân Việt đồng hành trong phát triển kinh tế nội địa, đó là tín hiệu tốt cho phát triển kinh tế đất nước”, ông Lịch khẳng định.
Đối với vấn đề khai thác, kích cầu tiêu dùng nội địa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp khai thác thị trường nội địa. Theo đó, xác định thị trường nội địa là thị trường quan trọng của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, kể cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI, nên phải chăm chút, nuôi dưỡng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Thời gian qua, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh không dừng lại ở việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp thành phố mà qua đó còn giúp họ kéo giảm chi phí tiếp cận thị trường. TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và kết quả hoạt động này đã tăng hơn 60% so với năm trước.
Sôi động livestream bán hàng tại chợ Bến Thành |
Trong năm 2023, trước tình hình hàng tồn kho của các doanh nghiệp rất lớn. Ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đã “bàn” với doanh nghiệp làm các chương trình kích cầu để giúp họ giải phóng tồn kho. Sở đã xin ý kiến các bộ, ngành để làm khuyến mãi tập trung không chỉ một tháng mà kéo dài 3 tháng, tạo đợt giảm giá rất sâu và kích thích tiêu dùng. “Chính điều này, đã đẩy kết quả doanh số bán buôn, bán lẻ trong 2023 tăng lên 707.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Và nhờ tiêu dùng tăng, doanh nghiệp tiếp tục sản xuất nên chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố cũng tăng cao hơn trung bình cả nước”, ông Vũ cho biết.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng
Về giải pháp để kích cầu tiêu dùng, bán hàng ra thị trường, việc xây dựng kênh bán hàng online đang là một hướng đi hiệu quả. Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO cho biết, vừa qua
Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Ngay như chợ Bến Thành cũng đang ứng dụng công nghệ vào bán hàng online. Nhờ bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử, doanh số bán hàng của tiểu thương chợ Bến Thành tăng gấp 10 lần so với trước. Khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng thì cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi. Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai cho tất cả hiệp hội ngành hàng, tham gia để cùng nhau thảo luận, trao đổi, trong đó có Tiktok và các chuyên gia, làm sao tìm ra giải pháp bán được nhiều hàng hơn. Làm sao để các tiểu thương thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
“Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…”, bà Hằng cho biết.
Đồng tình với các quan điểm nêu trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm, nếu nhìn vào cấu trúc các ngành, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa đóng góp khoảng 75%-80% của tăng trưởng năm 2023. Sang năm, cầu tiêu dùng vẫn là đóng góp chính cho tăng trưởng. Bên cạnh đó là sự lan tỏa của các gói đầu tư công, các gói kích cầu, xuất khẩu… Chỉ tiêu tăng trưởng 6,6% trong năm 2024 mà Quốc hội giao dù nhiều thách thức nhưng có thể đạt được. Chúng ta kỳ vọng những giải pháp của chính phủ cho tăng trưởng năm 2024. “Bên cạnh việc đơn thuần là kích cầu theo phương pháp cũ, cần có chính sách tiêu dùng mang tính bền vững. Giai đoạn này, kích thích tiêu dùng nội địa phải gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu carbon…”, ông Việt góp ý.