Đà Nẵng dồn lực cho Khu thương mại tự do
“Cú hích” cho Đà Nẵng
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, trong đó lần đầu tiên, Quốc hội thông qua thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Khu thương mại tự do không phải mô hình mới, trên thế giới có gần 5.400 khu kinh tế/thương mại tự do tại 147 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khu vực, nhiều quốc gia như, Singapore, Malaysia hay Trung Quốc… đã thực hiện và thành công mô hình này. Tuy vậy, tại Việt Nam, TP. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do.
Khu thương mại tự do được định nghĩa như là một vùng kinh tế đặc biệt “bên ngoài hải quan và bên trong lãnh thổ”, được phân định chính thức trong lãnh thổ quốc gia nhưng là khu vực có quan hệ mua bán với phần còn lại của nước sở tại là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa ra vào chịu sự kiểm soát của lực lượng hải quan.
Thông thường, Khu thương mại tự do được áp dụng một hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hội nhập quốc tế...
Bởi vậy, mô hình Khu thương mại tự do được kỳ vọng tạo ra đột phá, mở ra những cơ hội cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép lập Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho địa phương vươn lên trở thành trung tâm thu hút đầu tư đẳng cấp quốc tế, một thiên đường du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất khu vực...
Ông Trần Thoang, Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược hải quan - thương mại CT Strategies (CTS) Việt Nam cho rằng, không chỉ tạo động lực tăng trưởng, Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ hưởng ưu đãi thuế quan và thủ tục hành chính tối giản, giảm chi phí logistics, giảm thời gian thông quan, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nội địa sẽ phát triển chuỗi cung ứng nhờ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với các doanh nghiệp đầu tư vào Khu thương mại tự do. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cơ hội để cung ứng sản phẩm, sản xuất cho các “đại bàng” khi được chuyển giao công nghệ.
Mô hình Khu thương mại tự do được kỳ vọng tạo ra đột phá, mở ra những cơ hội cho sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. |
Khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách cho Khu thương mại tự do, Đà Nẵng đã học hỏi, nghiên cứu rất nhiều từ kinh nghiệm phát triển của các khu thương mại tự do trên thế giới để làm rõ được khái niệm, mục tiêu phát triển, mô hình tổ chức, khu trú về các chính sách cơ bản cần thiết, quy định về cơ chế kiểm soát, quản lý nhà nước phù hợp đối với Khu thương mại tự do của địa phương.
Hiện, cơ sở pháp lý để xây dựng Khu thương mại tự do đã có, vướng mắc lớn nhất đã được tháo gỡ. Đà Nẵng đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nội dung tiếp theo như, chương trình, kế hoạch của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, văn bản hướng dẫn cần thiết của các bộ, ngành Trung ương để hiện thực hóa các chính sách đối với Khu thương mại tự do...
Trong khi đó, về vị trí, thành phố dự kiến sẽ xây dựng Khu thương mại tự do phân tán với 9 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ. Ngoài ra, vị trí thứ 10 được dự kiến lấn biển dọc theo bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng, đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp Khu đô thị quốc tế Đa Phước, để làm khu thương mại tự do với tổng diện tích 420 ha. Quan điểm của Đà Nẵng trong việc lựa chọn vị trí thành lập các khu chức năng cũng như xây dựng Khu thương mại tự do là chọn những vị trí chiến lược, có tiềm năng giao thương và thu hút đầu tư tốt nhất của thành phố.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng cũng sẽ có các chính sách, cơ chế để thu hút các “đại bàng” cũng như nhân lực chất lượng cao cho Khu thương mại tự do. Theo đó, thành phố sẽ triển khai xây dựng một chuỗi giải pháp tổng thể và đồng bộ, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy các chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư.
Được biết, so với các Khu thương mại tự do trên thế giới thì Khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất thí điểm với những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội. Trong giai đoạn đầu, Khu thương mại tự do sẽ có hàng rào cứng để đảm bảo thuận lợi trong quá trình quản lý, vừa thí điểm, vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hóa ranh giới trên cơ sở nghiên cứu áp dụng mô hình đô thị kinh doanh tích hợp.