Đầu tư công trung hạn: Từ kế hoạch đến thực thi?
Đầu tư công tháng Bảy giảm 1,7% so với tháng Sáu | |
Gỡ nút thắt trong đầu tư công trung hạn | |
Giải ngân vốn đầu tư công thấp |
Gian nan từ kế hoạch đến thực thi
Đầu tư công vẫn được xác định là một động lực quan trọng để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7% đặt ra trong Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua.
Tổng cục Thống kê từng tính toán, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,06%. Bên cạnh đó, phát huy tốt hiệu quả đầu tư công sẽ giúp dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng - nền tảng quan trọng để các hoạt động KT-XH diễn ra.
Nhìn lại giai đoạn 2016- 2020, theo đánh giá của đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh), đầu tư công đã hiệu quả hơn, góp phần giúp kinh tế tăng trưởng. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, pháp luật đầu tư công được sửa đổi và hoàn thiện đã từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập và tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư theo hướng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hiệu quả đầu tư được cải thiện, số dự án hoàn thành đạt cao hơn, cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN giảm dần, tỷ trọng vốn ngoài NSNN tăng lên.
Tuy nhiên đa số các ý kiến cho rằng, vẫn còn rất nhiều bất cập như trình tự, thủ tục phức tạp; việc thực hiện vốn đầu tư chưa đạt mục tiêu; bố trí vốn vẫn dàn trải; công tác phân cấp, phân quyền chưa rõ dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm… Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), "từ kế hoạch đến cuộc sống là cả một chặng đường gian nan và kế hoạch dù có hay đến đâu, có hoàn hảo đến đâu thì điều quan trọng vẫn phải là khâu tổ chức thực hiện và yếu tố con người”.
Phân tích cụ thể bà Mai cho biết, Luật Đầu tư công (sửa đổi) được ban hành theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp cho các địa phương, nhưng đến nay, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn những nơi chưa thực hiện đúng quy trình chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên. "Vào tháng 2/2020, một số dự án được phân bổ dự phòng xuất phát từ tính cấp bách; nhưng cũng chính những dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng Kế hoạch trung hạn thì đã không còn là cấp bách. Điều này cho thấy nhiều khi xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan", nữ đại biểu nêu ví dụ và cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, có 3.467 dự án chuyển tiếp, song trong đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn đến hệ luỵ là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt tạo áp lực cho ngân sách giai đoạn tiếp theo khi có nhiều dự án mới bổ sung...
Phân cấp, phân quyền mạnh hơn
Theo kỳ vọng và mục tiêu của Chính phủ, với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN cho 5 năm tới là 2,87 triệu tỷ đồng, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả giai đoạn sẽ đạt trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Làm được như vậy sẽ giúp tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Để Kế hoạch được hiện thực hóa với những hiệu quả mang lại cao nhất, các ý kiến cho rằng, cần tập trung vào việc tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại và đốc thúc để các mục tiêu về tỷ lệ giải ngân, tỷ lệ các dự án hoàn thành đạt được như dự tính. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ hoàn thiện chỉnh sửa các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương trong việc giao kế hoạch và giải ngân vốn, tránh tình trạng việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm thường chậm, giao nhiều lần và không đảm bảo tính ổn định như giai đoạn trước đây.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần tách việc bồi thường giải phóng mặt bằng - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân chậm - thành dự án độc lập trước khi quyết định chủ trương đầu tư vì điều này sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định là điều rất quan trọng để các dự án triển khai hiệu quả. Muốn vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.
“Tôi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc điều chỉnh linh hoạt, kịp thời cơ cấu và kế hoạch vốn được giao hàng năm theo thẩm quyền trên nguyên tắc không vượt tổng kế hoạch vốn và tổng mức đầu tư của từng dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) nhấn mạnh trong thảo luận.
Ngoài ra theo các đại biểu, cần kiên quyết cắt giảm số lượng dự án đầu tư mới, đồng thời rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả hoặc chưa thật sự cần thiết, cấp bách để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Một số số liệu, mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025: Tổng mức vốn đầu tư từ nguồn NSNN là 2.870.000 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 32-34% GDP/năm, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. |