Gỡ nút thắt trong đầu tư công trung hạn
Vốn ngân sách cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tăng 1,43 lần so với 2016-2020 | |
Giải ngân vốn đầu tư công thấp | |
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trong ngành Ngân hàng năm 2021 |
Yếu kém trong tổ chức thực hiện
Đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho biết, việc bố trí vốn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn dàn trải, chia cắt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân chưa được rõ ràng; cân đối vốn ngân sách trung ương cho đầu tư không đạt mục tiêu đề ra; chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, có nơi còn mang tính hình thức, chủ quan, chưa gắn với thực tiễn và quy định pháp luật, thời gian thực hiện kéo dài... Đặc biệt tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu, còn lãng phí, chậm tiến độ...
Chính phủ khẳng định những hạn chế này chủ yếu do lỗi chủ quan, đặc biệt ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương chưa cao; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa được thể hiện rõ; phân bổ vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; năng lực triển khai thực hiện còn nhiều bất cập.
Giải ngân đầu tư công chậm chủ yếu do yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện |
Đồng tình với nhận định này của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Khắc Định (Thái Bình) thẳng thắn cho rằng, địa phương và các đơn vị triển khai dự án thường có xu hướng đổ lỗi vướng là do pháp luật, nhưng khi rà soát và giải trình cụ thể thì cuối cùng vướng là do tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chậm trễ là do yếu kém trong tổ chức thực hiện; chậm tiến độ giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chất lượng dự án chưa đảm bảo, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; bố trí vốn không kịp thời; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý chưa đáp ứng yêu cầu… Vì vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn, các đại biểu đề nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và nên vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án thay vì tập trung vào hậu kiểm. Đại biểu Phan Văn Giang, đoàn Thái Nguyên cho rằng, “trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là phải tự kiểm tra, tăng cường các biện pháp tự kiểm tra ở các cấp để kịp thời phát hiện và phát huy vai trò của hậu kiểm, nếu chỉ xác định hậu kiểm, việc xong lâu rồi mới hậu kiểm thì không nên”.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho biết, tổng mức vốn NSNN thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (trong đó 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Điểm quan trọng được Chính phủ khẳng định trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao; các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu nhận định, vốn đầu tư công được đặt lên hàng đầu trong quá trình dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác. Bởi vậy Chính phủ cần có những đổi mới đột phá trong dự kiến phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển ở cả phạm vi quốc gia cũng như địa phương.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn Bến Tre cho rằng, Chính phủ phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 90% thì phải làm quyết liệt hơn, thủ tục đầu tư phải rút gọn hơn. Đối với các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 khi phân bổ vốn nên tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi phần thực hiện dự án vì nếu nhập vào thì rất khó có thể giải ngân ngay được…
Nhiều đại biểu cũng nhất trí với việc 5 năm tới sẽ tập trung ưu tiên những dự án trọng điểm, không chạy theo số lượng mà tập trung chất lượng để có tính lan tỏa cho lĩnh vực kinh tế. Cụ thể số lượng dự án giảm từ 10.000 xuống còn 5.000. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công để khắc phục tình trạng chạy dự án, đầu tư dàn trải, đội vốn nhiều. Khâu tổ chức và giám sát cần phải được nâng cao hơn nữa. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Bình Dương cho rằng, trong quá trình giám sát những dự án quan trọng nhóm A có thu hồi đất diện tích lớn, trực tiếp tác động đến đời sống người dân, cần lấy ý kiến, tiếp thu để đảm bảo sự đồng thuận...
Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu NSNN thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.