Giải ngân vốn đầu tư công thấp
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép. Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, chi NSNN được quản lý chặt chẽ và tiết kiệm. Giá cả, thị trường được kiểm soát. Các thị trường tài chính tiếp tục phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bát biểu tại hội nghị |
Ngân sách đang thặng dư
Kết quả nổi bật nhất là thu NSNN. Thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, kết quả thu ngân sách những tháng đầu năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, phản ánh sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời đã tạo dư địa tốt để điều hành ngân sách, đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, NSNN đã chi 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách nên về tổng thể, cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có bội thu (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách Trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương bội thu xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đánh giá công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19.
Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là 27,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc-xin tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021.
Bộ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.
Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã huy động được khoảng 8 nghìn tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng COVID-19 khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19.
Rủi ro thu giảm dần
Tuy 6 tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực nhưng lãnh đạo Bộ và toàn ngành Tài chính đứng trước áp lực rất lớn khi mà đại dịch COVID-19 những ngày này đang diễn biến xấu hơn, tác động xấu tới sản xuất kinh doanh.
Tuy nhìn tổng thu 6 tháng đạt kết quả tích cực nhưng nhìn vào số thu từng tháng đã thấy hiện tượng giảm dần, thu ngân sách tháng 5 giảm 32 nghìn tỷ đồng, tháng 6 giảm 40 nghìn tỷ đồng và tháng 7 sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Những con số này cũng phần nào phản ánh tác động của đại dịch tới sản xuất kinh doanh.
COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục chịu tác động xấu và thu ngân sách sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chi ngân sách,
“Thực tế này đòi hỏi ngành Tài chính phải chủ động, sáng tạo tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước điều hành kinh tế vượt qua khó khăn, giữ vững mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu.
Bộ trưởng yêu cầu ngành Tài chính phải điều hành chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt, từ cắt giảm chi hội nghị, các khoản chi thường xuyên, phát hành trái phiếu chính phủ để cân đối ngân sách.
Ông nhấn mạnh có 5 trụ cột ngành Tài chính cần đạt được đó là: hoàn thiện thể chế; điều hành chính sách tài khoá hiệu quả; quản lý chặt chẽ nợ công; quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm, công sản, dự trữ quốc gia; phòng chống buôn lậu, tiết kiệm, chống lãng phí.
“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Đảng, Nhà nước để trong giai đoạn khó khăn này, ngành Tài chính vừa thắt lưng buộc bụng vừa tạo những đột phá để đất nước phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.
Đáng chú ý là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang đứng trước khó khăn thì một động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư công chưa phát huy được vai trò.
Số liệu của Bộ Tài chính về chi đầu tư phát triển cho biết, đến hết tháng 6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Giải ngân vốn đầu tư công thấp, 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (cùng ký 2020 đạt 33,04% kế hoạch). Đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước 6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch.
Nguyên nhân chính là do các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.
Để thúc đẩy đầu tư công, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 6/2021, Bộ Tài chính chủ động tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để rà soát, tháo gỡ khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA năm 2021; đồng thời chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục giải ngân, tạo thuận lợi khuyến khích các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành, gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc Nhà nước...