Đầu tư một triệu hec-ta lúa chất lượng cao: Phải tính đến đầu ra
Sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho chương trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao |
Các buổi làm việc của Đoàn công tác đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và doanh nghiệp về chính sách lãi suất, tỷ giá, tín dụng ngân hàng… đối với nông nghiệp nông thôn. Một số ý kiến nêu lên thực trạng kinh tế thế giới thời gian qua không tích cực làm cho doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng phải cắt giảm lao động, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất hoặc rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm. Các doanh nghiệp mong muốn các NHTM đồng hành cùng họ trong các mô hình dự án nông nghiệp nông thôn, trong khi các ngân hàng cho rằng, mô hình nông nghiệp có nhiều nhưng phải tính đến đầu ra sản phẩm quan hệ mới bền chặt.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trưởng Đoàn công tác của Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc tại Vĩnh Long |
Liên quan đến chủ trương phát triển một triệu hec-ta lúa chất lượng cao, ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”, theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Điều vị Bí thư Tỉnh ủy này trăn trở là chương trình triển khai thế nào để lúa gạo làm ra có người mua, có thị trường tiêu thụ. Từ đó, các định chế tài chính mới mạnh dạn đầu tư vốn trung dài hạn vào xây dựng nhà máy chế biến, kho bãi tạm trữ, khuyến khích sản xuất lúa gạo đảm bảo chất lượng.
Thực hiện theo phân công đối với Thành viên Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Thống đốc NHNN đã chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2023 có 8 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành. Theo đó, 5 kiến nghị đã được các bộ, ngành xử lý, 3 kiến nghị đã và đang xử lý. Năm 2024 thêm 2 kiến nghị. Tại tỉnh Bến Tre, năm 2023 có 37 kiến nghị, trong đó đã xử lý 22 kiến nghị (bao gồm các kiến nghị về tín dụng, chương trình hỗ trợ lãi suất, gia hạn hiệp định vay… 15 kiến nghị đã và đang tiếp tục xử lý. Năm 2024, có thêm 7 kiến nghị mới. |
Theo ông Nghiêm, ĐBSCL những năm qua có rất nhiều mô hình, dự án được đầu tư, thời gian đầu có vẻ ổn, sau đó doanh nghiệp và nhà nông không đi hết được đoạn đường dài do sản phẩm không có đầu ra. Một dự án liên kết đầu tư bền vững phải đảm bảo hai chiều, doanh nghiệp mua sản phẩm của nông dân, chế biến xuất khẩu và nhà nông gắn bó với ruộng đồng, công nhân trong nhà máy an cư lạc nghiệp ngay trên quê hương.
Với Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, NHNN được giao nghiên cứu,
đề xuất xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, thời gian triển khai từ 2025-2030. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dự kiến ngân hàng chủ lực triển khai chương trình này là Agribank nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay với chi phí phù hợp cho tất cả các khâu (trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo.
Việc triển khai chương trình cho vay sẽ cần sự tham gia của các bên như Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh vùng ĐBSCL trong việc xác định: vùng chuyên canh đủ điều kiện; các liên kết và chủ thể đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất; chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp; định mức chi phí thực tế/héc-ta thực hiện các khâu trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định 1490.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước ta trong an ninh lương thực. Đại diện NHNN đồng quan điểm với Vĩnh Long là việc đầu tư một triệu héc-ta lúa chất lượng cao phải bảo đảm đầu ra và tính toán kỹ về chất lượng.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, nông nghiệp nông thôn nằm trong lĩnh vực ưu tiên phát triển tín dụng trong 5 nhóm ngành lĩnh vực của nền kinh tế và các công ty nông sản vừa là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa là đối tượng ứng dụng công nghệ cao đều là đối tượng ưu tiên cho vay trong chính sách tín dụng ngân hàng. Tới đây, NHNN sẽ sửa đổi bổ sung Nghị định 116/2018/NĐ-CP về cho vay nông nghiệp nông thôn, qua đó những địa phương phát triển kinh tế có tỷ trọng lớn về nông nghiệp, nông thôn sẽ có lợi sau khi nghị định này được Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt phối hợp với Bộ NN&PTNT, Liên minh Hợp tác xã nghiên cứu mô hình khả thi đẩy mạnh hơn nữa vốn tín dụng vào các hợp tác xã và các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Các NHTM lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng cam kết tiếp tục đồng hành và triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng để góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung và mặt hàng lúa gạo nói riêng. Đồng thời, ngành Ngân hàng phối hợp với các đơn vị liên quan trong triển khai nhiệm vụ được giao về chương trình một triệu héc-ta lúa chất lượng cao.
Kết luận các buổi làm việc trực tiếp tại Vĩnh Long và Bến Tre, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm qua, NHNN bốn lần giảm lãi suất điều hành để tạo điền kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Khó khăn lớn nhất của Việt Nam là giảm lãi suất trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đều tăng lãi suất, nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định vĩ mô, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có cùng quan điểm đầu tư vào các mô hình, dự án nông nghiệp phải đảm bảo đầu ra sản phẩm.