Sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện tập đoàn đang chuyển đổi canh tác lúa sang hướng bền vững và giảm phát thải nhà kính. Cụ thể, Lộc Trời đầu tư vào giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cơ giới hóa và áp dụng mô hình chuyên canh chất lượng cao, canh tác có trách nhiệm, canh tác hữu cơ. Hiệu quả đem lại là đã giảm được 30% số lượng giống, giảm 30% thuốc bảo vệ thực vật, giảm 30% lượng phân vô cơ. Đặc biệt, sản lượng lúa đầu ra ổn định năng suất và chất lượng, giảm đầu tư và tăng lợi nhuận cho nông dân. Lúa gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Tập đoàn cũng đầu tư công nghệ xử lý rơm rạ hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm đất, nước và không khí. Qua đó, tăng nhận thức của người nông dân về bảo vệ môi trường, chuyển đổi nếp nghĩ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản lượng cao sang công nghệ cao, sinh thái trách nhiệm và bền vững.
Để phát triển chuyển đổi sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp, cần nhân rộng các mô hình tích hợp lúa hiện đại và phát thải thấp |
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ, sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo sản xuất và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1,5 triệu nông hộ nông dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế, tiềm ẩn những yếu tố không bền vững về mặt kinh tế - xã hội và môi trường như hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp; chất lượng và khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu còn hạn chế, quá trình chuyển đổi đất trồng lúa chưa hiệu quả do thiếu đồng bộ. Ngành sản xuất lúa gạo tại khu vực còn sử dụng nguyên liệu chưa hợp lý, dư thừa vật tư đầu vào, diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông cũng như phần lớn các hộ sản xuất lúa có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất theo kỹ thuật canh tác truyền thống.
Nhằm giải quyết các thách thức, hạn chế trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Chính phủ đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách và chương trình như Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL và mới đây là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, theo định hướng tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, WB đánh giá đây là sáng kiến tốt, đúng thời điểm có nghĩa là ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất phát thải thấp. Trong 10 năm qua, WB đã hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT thực hiện 2 dự án trong đề án này nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững và phát thải thấp. Gần đây nhất, dự án phát triển bền vững của WB đã hỗ trợ 184 ngàn hecta lúa sản xuất theo hướng phát thải thấp ở ĐBSCL. WB sẽ tiếp tục nhân rộng ra 1 triệu hecta dựa trên dự án cũ, phát triển nông nghiệp bền vững. WB sẽ vận dụng các quỹ tài chính về cacbon thấp và quỹ tài chính khí hậu để hỗ trợ cho Việt Nam những khoản vốn không hoàn lại.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho biết, để phát triển chuyển đổi sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp, cần nhân rộng các mô hình tích hợp lúa hiện đại và phát thải thấp được thí điểm bởi IRRI với các công ty tư nhân và tổ chức nông dân, phát triển đồng bộ công nghệ và thiết bị phù hợp cho điều kiện sản xuất ở Việt Nam.