Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Đổi mới sáng tạo ngành Ngân hàng gắn với phát triển nguồn nhân lực |
Chưa tương xứng với tiềm năng
Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam hiện đứng vị trí 46 trên 132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và nằm trong top dẫn đầu của các nền kinh tế đang phát triển. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) ghi nhận Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua… Đây là những dẫn chứng cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển về tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các chuyên gia cho rằng, tuy đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của Việt Nam. Song hành với đó là còn rất nhiều thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đang làm cản trở sự gia nhập của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng cao của các doanh nghiệp đó. Một trong số đó là chất lượng và mức độ hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nhân khởi nghiệp và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhìn chung còn thấp. Gói chính sách hiện nay chưa hoàn thiện, chưa được đảm bảo vốn, còn manh mún và chưa gắn theo thông lệ tốt trên quốc tế. Hỗ trợ tài chính trực tiếp hầu như chưa được cung cấp dưới bất kỳ hình thức nào. Chất lượng dịch vụ của các tổ chức trung gian khởi nghiệp của Nhà nước (các trung tâm vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo) còn thấp. Điều này làm ảnh hưởng đến các nỗ lực của Chính phủ nhằm hình thành một loạt các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẵn sàng tiếp nhận đầu tư.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những nỗ lực cải cách trong thời gian qua, nhưng các doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư còn phải đối mặt với những rào cản trong các quy định. Thủ tục xin giấy phép con trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn phiền hà, do thiếu rõ ràng về tính chất pháp lý của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị hạn chế đầu tư. Đối với các nhà đầu tư trong nước, khung pháp lý về đăng ký thành lập quỹ đầu tư còn chưa hoàn thiện và còn hạn chế. Cơ chế về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ chưa được bám sát thông lệ tốt nhất trên toàn cầu, còn bị ảnh hưởng do mâu thuẫn và thiếu đồng bộ trong chính sách, gây cản trở chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư mạo hiểm tuy tăng trưởng mạnh, nhưng các hoạt động khởi nghiệp giai đoạn ban đầu vẫn thiếu vốn. Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp hoạt động dựa vào tri thức và sở hữu trí tuệ, thường có tính chất rủi ro cao hơn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư dài hạn và lớn hơn để phát triển các sản phẩm đảm bảo khả thi tối thiểu. Các nhà đầu tư thiên thần - thường có vai trò chính trong cấp vốn giai đoạn ban đầu - còn khan hiếm và chưa chuyên nghiệp. Thị trường vốn đầu tư mạo hiểm hiện phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư và nguồn vốn nước ngoài, nên dễ bị tổn thương với các cú sốc trên các thị trường vốn toàn cầu (phần nào là nguyên nhân khiến cho dòng vốn đầu tư mạo hiểm giảm mạnh trong năm 2022). Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước đang phải đối mặt với hạn chế trong các hoạt động của họ và chưa có động lực tham gia đầu tư mạo hiểm.
Năng suất cao, đất nước thịnh vượng
Ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB về Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư nhận định: Nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 thì cần phải đổi mới công nghệ và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đang có những cơ hội rất đáng kể đối với Việt Nam để có thể giải quyết những rào cản tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi hơn, giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có thể phát triển.
Về những khuyến nghị chính sách cụ thể, ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp Khu vực tư nhân của WB tại Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề cần tập trung là tái định hướng Đề án 844 (đề án chủ đạo của quốc gia về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2025") nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tiếp nhận đầu tư. Trong đó, nhu cầu đặt ra là cần nâng cấp các công cụ hỗ trợ chính - chẳng hạn hỗ trợ cho vườn ươm ở các trường đại học và trung tâm đổi mới sáng tạo - cho phù hợp với các thông lệ tốt của quốc tế. Bên cạnh đó là nhu cầu cần thu hút các doanh nhân và quỹ đầu tư đủ tiêu chuẩn nhằm vận hành các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp và thiết lập các quỹ hỗ trợ giai đoạn ban đầu trong nước, đồng thời tăng cường năng lực cho các bên liên quan chính trong hệ sinh thái.
Cùng với đó, cần xử lý những rào cản pháp quy thông qua cải cách nhằm rút gọn, đơn giản các thủ tục, cải thiện khung pháp lý để thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Trong đó, quan trọng nhất là sửa đổi quy định tại Nghị định số 38 (quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo) nhằm giúp hình thành đội ngũ nhà đầu tư mạo hiểm trong nước, qua đó có thể huy động thêm nguồn vốn để đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cuối cùng, cần nâng cao mức độ đóng góp của các cơ quan học thuật, các trường đại học, các viện nghiên cứu công lập vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi cần hiện đại hóa cơ chế về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, tăng cường đánh giá hiệu quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời tăng cường năng lực về chuyển giao công nghệ tại các trường đại học và viện nghiên cứu chủ chốt của Nhà nước.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiến hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm thiếu hụt nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo, loại bỏ rào cản gia nhập và phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có năng suất cao hơn, qua đó góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.