Để cây hồ tiêu phát triển bền vững
Gỡ khó để cây hồ tiêu phát triển bền vững |
Mối nguy từ canh tác theo lối cũ
Khu vực Tây Nguyên là “thủ phủ” cây hồ tiêu của cả nước, đang chiếm khoảng 60% diện tích trồng tiêu cả nước với hơn 70.000 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc trồng hồ tiêu tại đây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên nhân chính do việc sử dụng không đúng cách các hóa chất nông nghiệp, quy trình canh tác thiếu bền vững, thiếu thông tin cập nhật về xu hướng và yêu cầu mới từ thị trường. Đặc biệt, hiện nhiều hộ nông dân vẫn trồng cây hồ tiêu theo lối canh tác cũ.
Huyện Đắk Song (Đắk Nông) là một trong những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn ở Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 14.051 ha hồ tiêu. Trong đó, diện tích kiến thiết cơ bản là 708 ha, diện tích kinh doanh 13.304 ha, sản lượng 35.298 tấn. Cây hồ tiêu được người dân trồng tập trung ở các xã như, Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Nam Bình và Trường Xuân…
Tuy nhiên, việc chọn giống còn nhiều hạn chế, nhất là các giống hồ tiêu sạch bệnh; việc bình tuyển và công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng chưa được thực hiện. Cùng với đó, dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Đặc biệt, người dân còn dùng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ, liều lượng, thời điểm và đúng cách để phòng trừ các loại sâu bệnh. Điều này dẫn đến vườn tiêu già cỗi, có khả năng chống chịu kém, rất dễ bị nhiễm bệnh... ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng hạt tiêu cũng như tuổi thọ của vườn tiêu. Dù trước đó, cơ quan chức năng cũng đã triển khai các chương trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, nhằm giúp người nông áp dụng hiệu quả biện pháp trồng, chăm sóc và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồ tiêu..
Hướng đến phát triển bền vững
Canh tác cây hồ tiêu ở nhiều nơi cơ bản vẫn theo lối cũ, song trên thị trường thế giới lại đang yêu cầu sản phẩm sạch. Nghịch lý này khiến việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng sạch, bền vững là yêu cầu cấp thiết để nâng cao số lượng lẫn chất lượng của cây trồng này. Hiện, các thị trường nhập khẩu chính hồ tiêu của Việt Nam như, Mỹ, Trung Quốc, UAE, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, đặc biệt là EU đang ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Ngay cả Trung Quốc, thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam cũng đã có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Bởi vậy, sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng.
Việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng sạch, bền vững là yêu cầu cấp thiết |
Được biết, chiến lược phát triển cây hồ tiêu Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 70% hồ tiêu xuất khẩu đạt yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu; 25.000 nông dân trồng tiêu được tập huấn, đào tạo về bảo vệ thực vật; 75.000 tấn hồ tiêu đạt yêu cầu về sản xuất bền vững và 25% nông dân sản xuất hồ tiêu tăng thêm 20% thu nhập. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030. Theo đó, việc sản xuất nông nghiệp không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực mà còn phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường…
Vì thế, một trong những ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn… Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, để phát triển hồ tiêu bền vững, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh về hồ tiêu. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như, sản xuất theo hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, từng bước đưa sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, tại khu vực Tây Nguyên, dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” do Liên minh châu Âu và tổ chức IDH tài trợ, được thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Đến nay, qua một thời gian triển khai, nhờ sự hợp tác tích cực và hiệu quả của các đối tác, dự án đã góp phần cải thiện đời sống của gần 8.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu trên diện tích 8.500 ha ở Tây Nguyên và giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hồ tiêu tăng sản lượng bền vững. Một số kết quả chính của dự án như: Tăng 60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của thị trường và giá trị tiêu xuất khẩu được chứng nhận năm 2023 ước đạt 600 triệu USD; 50% đại lý thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuốc. Ngoài ra, dự án đã góp phần giảm 98% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, đặc biệt là các loại thuốc diệt cỏ…
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá, dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” đã tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên sản xuất hồ tiêu bền vững. Thời gian tới mong muốn phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, tổ chức IDH cùng các cơ quan, đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; tạo điều kiện cho những ngành hàng nông sản khác của địa phương được tiếp cận các dự án, từ đó gia tăng lợi nhuận và phát triển kinh tế bền vững.