Gỡ khó để cây hồ tiêu phát triển bền vững
Nông dân khốn khó vì hồ tiêu | |
Ngành Ngân hàng quyết liệt tìm giải pháp hỗ trợ nông dân trồng hồ tiêu |
Các bộ ngành cần có giải pháp cấp bách để hỗ trợ người dân trồng tiêu ổn định hoạt động sản xuất |
Hồ tiêu tiếp tục gặp khó
Những năm qua, Việt Nam luôn giữ vững vị thế số một thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Qua các năm, diện tích trồng và sản lượng thu hoạch hồ tiêu không ngừng tăng lên. Nếu năm 2001 cả nước có 35,3 nghìn hecta, thì đến năm 2018, diện tích hồ tiêu đã đạt149,8 ngàn ha, tăng hơn 400%. Đồng thời, chiếm trên 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới.
Hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 105 nước và vùng lãnh thổ toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2018 đạt 758,8 triệu USD, tăng hơn 700% so với đầu những năm 2000.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2016 là khoảng 1,422 tỷ USD, thì từ năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu trên thế giới liên tục sụt giảm. Các chuyên gia cho rằng, do nguồn cung liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, trước đây giá hồ tiêu trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu đang gặp nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu. Thậm chí, có những gia đình tại Gia Lai và Đăk Nông không trả được nợ đã bỏ vườn, bỏ rẫy, bỏ nhà đi nơi khác để mưu sinh.
Năm 2019 được đánh giá là năm ngành hồ tiêu vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn, cả về sản xuất và tiêu thụ. Theo nhận định và dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Dự báo năm 2019, sản lượng hồ tiêu thế giới đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%. Trong đó, Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%. Riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9%, do diện tích trồng mới từ năm 2014-2016 bắt đầu cho thu hoạch.
Thực tế cho thấy, các tỉnh Tây Nguyên là vựa tiêu của cả nước. Tuy nhiên, do phát triển nóng, dẫn đến bệnh hại lây lan và gây hại trên diện rộng trong những năm gần đây. Cùng với diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường khiến cho cây tiêu càng dễ nhiễm bệnh và phát bệnh nhanh hơn.
Tại Đăk Nông, chính quyền địa phương không có chủ trương mở rộng diện tích trồng tiêu. Song do giá tiêu trên thị trường trong những năm từ 2011-2016 luôn ở mức cao nên người dân tự phát đầu tư mở rộng diện tích làm ảnh hưởng đến cân bằng trong phát triển nông nghiệp của tỉnh và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ hồ tiêu. Tính đến tháng 12/2018, tổng diện tích hồ tiêu được trồng tại Đăk Nông là khoảng 33.552ha, sản lượng thu hoạch khoảng 42.227 tấn, diện tích trồng mới năm 2019 đến nay khoảng 28,6ha.
Nguồn giống hồ tiêu để trồng chủ yếu do các hộ dân tự nhân và kinh doanh, không thực hiện đúng theo quy định của ngành chức năng nên khó kiểm soát, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Một số ít hộ nông dân mua giống tại các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Phước hay Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và một số cơ sở kinh doanh giống nhập từ nơi khác về nhưng giá cây giống cao.
Việc sản xuất, thu hái của nông dân chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật làm cho cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển không bền vững, dễ bị nhiễm sâu, bệnh hại; thu hái chưa đảm bảo đúng độ chín nên chất lượng hạt tiêu chưa đạt yêu cầu, dẫn đến giá bán thấp.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Riêng tại Đăk Nông, diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh trên địa bàn được thống kê đến nay là khoảng 2.698,9 ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 1.317,7 ha; nhiễm trung bình 815ha; nhiễm nặng 566,2 ha. Diện tích tiêu bị chết 1.827,7ha, chiếm 5,22% tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh. Trong đó, huyện Đăk Song 653ha, huyện Tuy Đức 586,2ha, huyện Đăk R’Lấp 304,3ha, thị xã Gia Nghĩa 46,3ha, huyện Đăk G’Long 46,2ha, huyện Cư Jút 90ha, huyện Krông Nô 63,8ha và huyện Đắk Mil 37,9ha.
Diện tích tiêu bị chết năm 2018 lũy kế tính đến nay khoảng hơn 2.100ha. Hiện nay, tỉnh Đăk Nông đang tổ chức thực hiện rà soát, thống kê thiệt hại của cây hồ tiêu năm 2018 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại công văn số 6495/BTC-NSNN để trình Bộ xem xét hỗ trợ thiệt hại theo đúng quy định.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến cây hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên chết nhiều trong thời gian qua là do thời tiết mưa lớn kéo dài nhiều ngày và tập trung (từ tháng 6 đến đầu tháng 10) làm cho đất bị úng nước. Đặc biệt, các vùng đất trũng thấp, điều kiện thuận lợi để nấm và tuyến trùng nội ký sinh gây thối rễ phát triển và lây lan nhanh.
Cùng đó, người dân không áp dụng đúng những yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng bền vững; sử dụng lại trụ cũ hoặc trồng lại trên đất đã bị nhiễm bệnh; Sử dụng nguồn giống không đảm bảo chất lượng, giống bị nhiễm bệnh. Riêng năm 2017 và 2018, do giá hồ tiêu giảm thấp nên nông dân hạn chế đầu tư, ít quan tâm đến công tác phòng bệnh, vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra không kịp xử lý và lây lan nhanh. Chính thực trạng này khiến cho người trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn.
Theo UBND tỉnh Đăk Nông, hiện số hộ đang vay nợ ngân hàng để trồng, chăm sóc hồ tiêu là khoảng 20.347 (DN, hộ gia đình). Trong đó, số hộ có vay vốn để sản xuất hồ tiêu nhưng bị thiệt hại khoảng 1.555 hộ, hiện việc trả nợ vô cùng khó khăn. Trong lúc này giá tiêu xuống rất thấp, nhưng giá vật tư nông nghiệp, công lao động lại tăng cao. Những khó khăn đó đã góp phần làm nạn tín dụng đen, vay nóng... xảy ra nhiều nơi. Đây là vấn đề nan giải cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để tìm giải pháp hỗ trợ người dân tháo gỡ, quay về tái sản xuất…
Để phát triển cây tiêu bền vững, chính quyền tỉnh Đăk Nông đề ra các giải pháp cụ thể. Hiện tỉnh đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Đăk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Cùng với đó, tăng cường vận động, tuyên truyền người dân ổn định sản xuất, không chạy theo giá cả thị trường, lợi nhuận ngắn hạn làm phá vỡ định hướng ngành nông nghiệp chung của tỉnh; Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi dần các vườn tiêu không đảm bảo yêu cầu sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến hồ tiêu có thiết bị hiện đại, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao; xúc tiến đăng ký mẫu mã và xây dựng thương hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao đối với diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hoặc trồng trên những chân đất không phù hợp. Xây dựng các mô hình chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các mô hình sản xuất hồ tiêu hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường...
Nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân, giữa người nông dân với DN với các hình thức: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ (hợp đồng giữa các tổ chức nông dân với DN), xây dựng các cánh đồng lớn... để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả, lợi nhuận cho người nông dân, DN. Tiếp tục nghiên cứu áp dụng các giải pháp về tín dụng, tháo gỡ khó khăn đối với các hộ sản xuất tiêu có vay vốn từ các tổ chức tín dụng để sản xuất tiêu nhưng bị thiệt hại.
Tuy nhiên, để giúp ngành tiêu phát triển bền vững, cần có các chính sách vĩ mô phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức đầu tư vào ngành này.
Để triển khai những chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, trong đó có ngành hồ tiêu đang đứng trước bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức. Ngày 23/8/2019, tại tỉnh Đăk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Đăk Nông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do. Hội nghị đã đánh giá thực trạng, dự báo thị trường để tìm ra những nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường, tìm ra cơ hội và đề xuất các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam. Trong đó, có đánh giá thực trạng, chất lượng tín dụng đối với cây hồ tiêu; phân tích hiệu quả tín dụng, thực tế dư nợ thời điểm hiện tại, đồng thời đề xuất giải pháp, hướng xử lý về thực trạng thiệt hại; xem xét từng món vay cụ thể để giảm lãi vay, giãn nợ; đặc biệt là miễn, giảm lãi vay cho bà con, đưa ra hướng xử lý nợ vay. Đề xuất các giải pháp cụ thể về tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn của ngành hồ tiêu trong bối cảnh biến động giá giảm của thị trường thế giới, tạo động lực cho ngành hồ tiêu phát triển bền vững. |