Để hoạt động cứu trợ thực sự đạt hiệu quả cao
Để hoạt động cứu trợ an toàn, hiệu quả
Thông tin lũ lụt tang thương, bão liên tiếp dồn dập tại miền Trung đang thôi thúc người dân cả nước chung tay quyên góp tiền và nhu yếu phẩm cứu trợ người bị thiên tai. Nhiều cá nhân, tổ chức không quản ngại đường xa, khó khăn và nguy hiểm đến tận nơi cứu trợ người dân vùng lũ Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình hay vùng vừa bị cơn bão số 9 tàn phá như Quảng Ngãi, Quảng Nam gây thiệt hại nặng về người và tài sản… Các địa phương này cũng đang trải qua đợt mưa lũ lớn kéo dài.
Làm cách nào để công tác cứu trợ an toàn, hiệu quả, đảm bảo sự đồng đều, tránh nơi thừa nơi thiếu lại là vấn đề đang được quan tâm trong công tác cứu trợ tại miền Trung. Mỗi ngày có hàng trăm đoàn thiện nguyện mang theo thực phẩm, nhu yếu phẩm đến cứu trợ người dân địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình); Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị); Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), một số huyện của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… Báo chí và mạng xã hội xuất hiện những bức tranh đẹp về tình tương thân tương ái, chung sức cứu giúp, nâng đỡ đồng bào miền Trung đang gặp nạn.
Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế nhận quà cứu trợ sau lũ |
Thực tế cho thấy, mặt tích cực từ các nhóm thiện nguyện là huy động được nguồn lực trong dân. Điển hình là ca sĩ Thủy Tiên, số tiền quyên góp lên đến hơn 100 tỷ đồng đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần tương thân tương ái trong khó khăn hoạn nạn. Tuy nhiên, phần lớn những nhóm thiện nguyện xuất phát từ tình cảm, tấm lòng, mà chưa có kinh nghiệm tổ chức cứu trợ, không phối hợp với chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng, nên phát sinh nhiều vấn đề bất cập và rủi ro khó lường, nhất là khi ai đi cứu trợ cũng muốn đến những vùng khó khăn sớm nhất.
Cụ thể như chiều 22/10/2020, đoàn cứu trợ ở thành phố Đồng Hới với 4 thành viên tự đi vào vùng lũ An Thủy, Lệ Thủy, đã chẳng may bị lật thuyền giữa đường. Rất may đoàn Sở Y tế Quảng Bình cấp thuốc gần đó kịp thời ứng cứu, vớt lên 5 người (cả người chở thuyền). Tại Thừa Thiên - Huế sau nhiều thời gian nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy thi thể cụ ông 80 tuổi mất tích sau vụ lật thuyền giữa dòng lũ dữ. Trước đó, cụ chèo thuyền chở người con trai từ Hà Nội mới về nhà ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền đi cứu trợ. Đi được một đoạn gặp lũ sông Bồ đổ về khiến chiếc thuyền bị lật. Người dân kịp thời cứu vớt người con giữa dòng lũ dữ chảy xiết, còn người cha mất tích.
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: Trong cứu trợ khẩn cấp, lực lượng thực hiện phải là công an, bộ đội, của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bên dưới là Ban chỉ huy các tỉnh, vì họ được tập huấn, đào tạo, có phương tiện, có lực lượng cứu hộ. Đúng giai đoạn ứng phó khẩn cấp, đúng lúc lụt sâu, bão đang vào thì các tổ chức thiện nguyện không nên xuất hiện mà chúng ta nên tham gia giai đoạn phục hồi, tức là khi bão đã qua đi, nước đã rút đến mức an toàn, lúc đó người dân rất cần hỗ trợ để phục hồi. Những giai đoạn khẩn cấp chắc chắn hệ thống chính trị của chúng ta bảo đảm được để sau đó hồi phục tốt hơn thì cần sự chung tay, góp sức. Đúng lúc nguy hiểm nhất các nhóm thiện nguyện tự phát không nên vào, dễ nguy hiểm cho chính họ và có thể trong chừng mực nào đấy gây khó khăn nhất định cho địa phương.
Cần tạo sinh kế cho cộng đồng
Để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố… Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.
Tuy nhiên thực tế ở miền Trung mấy ngày qua, có những đoàn cứu trợ không hợp tác, thậm chí khi lãnh đạo địa phương vận động mời về trụ sở UBND xã bàn cách phối hợp trao quà cứu trợ cho hiệu quả thì họ phản ứng với lý lẽ rằng họ có tiền, có hàng nên thích cho ai là quyền họ. Hoặc lực lượng chức năng tiến hành điều tiết những địa điểm mà người cứu trợ nhiều hơn người nhận quà thì một số người lại tiến hành quay phim, rồi lập tức chia sẻ lên mạng xã hội với phán xét chủ quan rằng chính quyền địa phương làm khó, đã gây xôn xao trong dư luận.
Làm gì cho công tác cứu trợ người dân vùng lũ thuận đôi đường? Theo các chuyên gia và một số người có kinh nghiệm, cần phải tính toán và quyết định sao cho các vùng và người bị ảnh hưởng được nhận số quà cứu trợ theo mức độ thiệt hại và nhu cầu; tránh tình trạng nguồn tài trợ đổ dồn về một vài địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất và được báo chí nhắc đến nhiều nhất, còn các địa phương khác bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn lại không nhận được sự hỗ trợ nào hoặc rất ít. Công tác cứu trợ do các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài cần được điều phối chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm đảm bảo đúng đối tượng, công bằng và hiệu quả.
Song song đó, chính quyền địa phương cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để thông báo cho các đoàn trực tiếp đi cứu trợ hoặc không có điều kiện đi theo nguyên tắc đảm bảo tính công bằng, đồng đều để người dân đều nhận được quà, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhất là nhu cầu người dân cần gì trong thời điểm bị lũ cô lập và khi lũ rút để tránh tình trạng lãng phí.
Hoạt động cứu trợ cũng cần tạo sinh kế cho cộng đồng sau thiên tai tiếp tục được phát triển. Cần có cơ chế phản hồi để đảm bảo rằng các hoạt động cứu trợ thực hiện đúng theo nguyên tắc về mặt tài chính, về người hưởng lợi... Bên cạnh đó, không chỉ lo việc trước mắt là cứu trợ khi hoạn nạn, mà còn cần lo việc căn cơ là đầu tư các chương trình làm nhà chống lũ, xây trường, cấp học bổng, đào tạo nghề; khắc phục tình trạng phá rừng, chấn chỉnh hoạt động thủy điện, hỗ trợ các sáng kiến chống biến đổi khí hậu...