Dự án treo và bài toán quản lý đô thị
Hà Nội kiểm tra một số đội quản lý trật tự xây dựng Tăng cường quản lý đầu tư phát triển đô thị |
Nguyên nhân là do khu đất này nằm trong quy hoạch dự án Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, được phê duyệt từ năm 2006 (Quyết định số 226/2006/QĐ-UBND), song đến nay vẫn chưa có dấu hiệu triển khai. Vì vậy, hơn 300 hộ dân sinh sống tại tổ dân phố Nhuệ Giang đã gửi đơn kiến nghị đến TP. Hà Nội, mong muốn được điều chỉnh khỏi dự án để ổn định cuộc sống.
Thực trạng này cũng xảy ra tại ngõ 192, phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, với hàng trăm hộ dân nơi đây đang mắc kẹt, sinh sống trong điều kiện khó khăn bởi dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình, quy hoạch từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn “treo” lơ lửng. Mặc dù nhà dột nát, tường ẩm mốc, người dân không dám sửa chữa và cũng không được phép xây mới. Việc thế chấp để vay vốn làm ăn càng trở nên xa vời. Người dân nơi đây đang mong chờ một phép màu, một giải pháp để thoát khỏi cảnh sống tạm bợ và bất ổn này.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả thanh tra, cho thấy tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định trong giai đoạn 2011-2019 tại các doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa, càng làm trầm trọng thêm tình hình. Nhiều dự án “đắp chiếu” đã bị chỉ ra, gây lãng phí nguồn lực lớn của Nhà nước và những hệ lụy nghiêm trọng cho cuộc sống của hàng nghìn người dân. Điển hình là dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với diện tích lên đến 2.291m², được giao đất từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu triển khai. Dự án Công viên văn hóa Đống Đa và Công viên Tuổi trẻ cũng “đắp chiếu” nhiều năm. Hay như dự án Sông Hồng City, với hàng chục nghìn mét vuông đất bị thu hồi tại khu vực Nghĩa Dũng, đã khiến hàng trăm hộ dân mất nơi an cư lạc nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang đối mặt với hàng loạt dự án treo. Nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ không chỉ làm giảm sút thanh khoản mà còn đe dọa nghiêm trọng đến lòng tin của người mua nhà. Các ma trận pháp lý và thủ tục hành chính rườm rà đang trở thành gánh nặng, kìm hãm sự phát triển của thị trường. “Những dự án này không chỉ khiến người dân mất cơ hội sở hữu nhà mà còn đối mặt với rủi ro mất trắng số tiền đã bỏ ra. Điều này đang làm xói mòn niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản”, ông Khôi chia sẻ.
Nhìn nhận các dự án treo và cảnh báo tình trạng lãng phí nguồn lực, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho rằng đất đai vốn là tài sản quý giá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng đất đai tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bất cập. Việc để đất vàng bỏ hoang không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và gây bức xúc trong dư luận. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý tình trạng trên.
Để nâng cao chất lượng quy hoạch, ông Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản - cho rằng cần tăng cường trách nhiệm và chế tài đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch đòi hỏi sự nghiêm túc và chính xác. Nếu các quy định này không được thực hiện đúng đắn, chất lượng của quy hoạch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều hệ lụy trong quá trình thực hiện. Ông Đỉnh cũng đồng tình với quan điểm cần siết chặt trách nhiệm và tăng cường chế tài xử lý đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc lập quy hoạch, đặc biệt là trong các trường hợp quy hoạch, dự án “treo” kéo dài.