Để hút dòng tiền ngoại
10 tháng thu hút được hơn 17,61 tỷ USD vốn FDI, giảm 8,7% | |
Tìm vốn ngoại không dễ | |
Vòng xoáy thâu tóm trên thị trường Việt |
Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển rất ấn tượng; tuy nhiên, vẫn cần nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng tầm thị trường này.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam cho biết, thị trường TPCP Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Nếu trước đây, thị trường trái phiếu chủ yếu phát hành với lô nhỏ và thanh khoản còn yếu thì đến nay, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu lô lớn, thanh khoản cũng tốt hơn rất nhiều trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Đặc biệt, nếu nhìn vào kết quả phát hành TPCP năm nay thì đây là một thành công rất lớn của Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, so với các thị trường trái phiếu phát triển, thị trường TPCP Việt Nam vẫn có khoảng cách nhất định. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, so với thị trường các nước phát triển trên thế giới và khu vực, thì thị trường TPCP Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực để phát triển.
Hiện nay, các nhà đầu tư tham gia thị trường chưa thực sự đa dạng khi đa số vẫn là các NHTM. Do đó, đa dạng nhà đầu tư là mục tiêu chúng ta tiếp tục phải làm, theo hướng thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức bảo hiểm, quỹ hưu trí, nhà đầu tư cá nhân khác...
“Theo tôi nghĩ, bản thân các NH thương mại tham gia thị trường trái phiếu đa phần có lượng thanh khoản rất dồi dào. Hơn nữa, các NH luôn đặt mục tiêu đầu tư trái phiếu để kinh doanh. Do đó, bên cạnh kênh kinh doanh là cho DN, người dân vay, thì các NH luôn duy trì một lượng thanh khoản hợp lý bằng cách đầu tư vào TPCP. Thực ra đây là kênh đầu tư rất truyền thống trong nghiệp vụ NH, do đó, tôi nghĩ chúng ta vẫn cần tiếp tục khuyến khích NH tham gia vào thị trường trái phiếu”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ thuần túy dựa vào các nhà đầu tư là NH. Điều này có thể tạo ra rủi ro cho các NH, bởi nguồn tiền gửi tại các NH đa phần là ngắn hạn, trong khi đó, kỳ hạn trái phiếu đã dài hơn rất nhiều, nếu thị trường có biến động thì các NH có thể gặp rủi ro về thanh khoản. Như vậy, chúng ta cần duy trì mức độ vừa phải sự tham gia của các NH, nhưng cũng cần đa dạng các đối tượng nhà đầu tư khác tham gia vào thị trường TPCP.
Ở khía cạnh khác, các chuyên gia tài chính cho biết, sản phẩm trên thị trường trái phiếu Việt Nam dù đã có nhiều thay đổi tích cực, tuy nhiên so với các thị trường phát triển thì vẫn còn khá đơn giản. Hiện các sản phẩm trên thị trường vẫn là trái phiếu lãi suất cố định, trong khi đó nhiều nước hiện nay thì sản phẩm của họ rất đa dạng bao gồm cả trái phiếu lãi suất thả nổi, lãi suất theo chỉ số lạm phát... Do đó, muốn nâng tầm thị trường trái phiếu thì cần phải đa dạng sản phẩm hơn, đáp ứng được các nhu cầu đầu tư của nhiều đối tượng nhà đầu tư hơn.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, chúng ta cần phải có thêm nhiều chính sách hơn nữa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu Việt Nam. Chẳng hạn như năm 2016, đa phần các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào thị trường trái phiếu khác trong khu vực thay vì đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, các tổ chức phát hành cần tăng cường công bố thông tin, quảng bá thông tin để thu hút nhiều hơn nguồn vốn này từ nhà đầu tư nước ngoài.
Lý giải tình trạng nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đã biết nhiều hơn tới Việt Nam khi kinh tế trong nước đang phát triển tích cực. Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự hiểu rõ, thậm chí nhiều người vẫn lo ngại Việt Nam còn tồn tại những rủi ro như trước đây: Lạm phát cao, tỷ giá biến động lớn... nên điều này đã làm “chùn bước” một số nhà đầu tư.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính và cả Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ để quảng bá tiềm năng của thị trường Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cần quảng bá thường xuyên hơn, chứ không phải chờ đến lúc chúng ta thực sự cần vốn mới làm, thậm chí, ngay cả lúc thị trường phát triển tốt cũng cần quảng bá.
“Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam họ luôn quan tâm tới vấn đề phòng chống rủi ro. Do vậy, cần phải xây dựng các công cụ phòng chống rủi ro để nhà đầu tư nước ngoài an tâm đầu tư...”, ông Hải khuyến cáo.