Để ngành sản xuất lấy lại đà tăng trưởng
Cần kết nối để vượt khó |
Khó khăn chưa qua
Khối nghiên cứu của HSBC vừa phát hành báo cáo với tiêu đề “Dữ liệu tháng 2 của Việt Nam: Phần nào gỡ thế bí”, trong đó nhận định mặc dù năm 2023 khởi đầu với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn thấy “những cơ hội xuất hiện trong nghịch cảnh”. Theo đó, dữ liệu hai tháng đầu năm đã vẽ nên một bức tranh nhẹ nhàng hơn so với những lo ngại ban đầu. Chỉ số PMI ngành sản xuất lần đầu tiên quay trở lại vùng mở rộng trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 51,2 điểm vào tháng 2, từ mức 47,4 điểm trong tháng 1). Trong khi đó, thương mại cũng đạt một số kết quả khả quan hơn mong đợi, với xuất khẩu tăng 11,0% và nhập khẩu giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó giúp mức thặng dư thương mại 2,3 tỷ USD, tức gấp đôi mức bình quân hàng tháng của năm 2022.
Việc PMI ngành sản xuất tháng 2 cải thiện đáng kể so với tháng 1 cũng khá “cùng nhịp” với số liệu mà Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 5,1% so với tháng 1. Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (TCTK), nhìn lại giai đoạn 4 tháng giảm trước đó thì việc các chỉ số ngành sản xuất tăng trong tháng 2 vừa qua là tích cực, phần nào phản ánh sự phục hồi. Tuy nhiên, nếu quan sát dãy số liệu nhiều năm qua thì mức tăng như vậy không hẳn tích cực. Một trong những yếu tố cho thấy sự kém tích cực mà bà Nga chỉ ra là sản xuất công nghiệp tháng 2 năm nay (không rơi vào Tết) so với tháng 2 năm ngoái (có Tết) chỉ tăng 3,6%, trong khi thông thường trước đây mức tăng trong so sánh tương tự như vậy thường phải trên 10%.
Doanh nghiệp kỳ vọng lực cầu cải thiện, đơn hàng sẽ tăng trong thời gian tới |
Bên cạnh đó, nếu nhìn số liệu 2 tháng, ngoài một số ngành tăng cao so với cùng kỳ như sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế; sản xuất đồ uống... thì nhiều ngành chủ lực khác không khả quan. Đặc biệt là sự sụt giảm mạnh của ngành sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học - ngành có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng. “Đây là một trong những ngành có chu kỳ sản xuất khá đều và là ngành chủ lực phục vụ xuất khẩu nhưng khởi đầu năm nay đang không được khởi sắc. Do đó, số liệu như vậy chưa phải là quá xấu nhưng cũng không hẳn đã tích cực”, bà Nga cho biết.
Cùng góc nhìn này, báo cáo của HSBC cho rằng chu kỳ sản xuất của ngành điện tử sẽ không sớm chuyển biến tích cực. Các chuyên gia HSBC nhận định: “Nhập khẩu hàng điện tử tiếp tục giảm, đặc biệt là nhập khẩu linh kiện điện thoại từ đầu năm tới nay đã giảm hơn 60% so cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy chu kỳ điện tử sẽ khó có thể nhanh chóng “đảo chiều”, mặc dù các chỉ số PMI toàn cầu gần đây đã cho thấy một vài dấu hiệu ổn định sơ khởi”.
Trong khi đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đặc biệt lưu ý đến 2 yếu tố: Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động 2 tháng qua đang thấp hơn đáng kể số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; và nhập khẩu (trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm tới hơn 93,6%) đã giảm tới 16%. “Đây là những dấu hiệu cho thấy cầu về hàng hóa tiếp tục tiêu cực và ngành sản xuất, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới”, chuyên gia này nhận định.
Nhận định những thách thức cả bên ngoài và trong nước bà Phí Thị Hương Nga cho rằng: Sáu tháng đầu năm còn khó khăn nhưng nửa cuối năm kỳ vọng sẽ tích cực. Các yếu tố từ phía cầu (cả trong và ngoài nước) sẽ tác động rất lớn đến diễn biến quá trình phục hồi này.
Rất cần các hỗ trợ nhanh, kịp thời
Dù những tín hiệu tích cực đã trở lại, dù kỳ vọng tình hình sẽ ngày càng sáng sủa hơn, nhưng song hành với đó phải là hành động. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh gia tăng... cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc cải thiện nguồn cung trong nước, tác động đến tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể làm tăng áp lực lạm phát khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhanh.
Bộ Tài chính cần khẩn trương bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân; Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng; Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong các thủ tục xuất, nhập khẩu. Việc duy trì các chính sách hỗ trợ trong năm nay, trong đó có chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% được đánh giá là rất thiết thực, triển khai nhanh sẽ là một động lực giúp doanh nghiệp duy trì đà phục hồi. Cùng với đó, cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như trong thời gian đại dịch vừa qua, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm nguồn chi trả lương, giữ chân người lao động.
PMI tháng 2 cho thấy sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đã tăng trở lại; Thời gian giao hàng được rút ngắn song chi phí đầu vào cũng tăng với tốc độ mạnh nhất trong 8 tháng |
Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn vì sao sản xuất sụt giảm mà lao động không giảm mấy? Lý giải điều này, bà Phí Thị Hương Nga cho biết vì thực tế doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ chân lao động có tay nghề với kỳ vọng thời gian tới đơn hàng sẽ tăng lên thì có thể bắt tay vào sản xuất đáp ứng được ngay. Và họ giữ chân bằng cách giảm bớt thời gian làm việc thay vì phải cắt giảm người lao động. Đã có những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện giảm giờ làm đến 50% nhưng vẫn cố gắng giữ chân người lao động lại với kỳ vọng mấy tháng tới tốt hơn. Nhưng ở đây cũng cần bàn đến câu chuyện cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn lực đã cạn kiệt, như việc tiếp tục có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn sản xuất cầm chừng hiện nay.
Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn về thủ tục hành chính để mở rộng sản xuất, nên rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để giúp doanh nghiệp hoàn tất các yêu cầu về thủ tục hành chính trong việc xây dựng nhà xưởng. Ngoài ra, các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới… cũng cần được thúc đẩy để mang lại hiệu quả thực chất hơn.
Song song với các hỗ trợ, đồng hành từ các bộ, ngành, địa phương về phía các doanh nghiệp cũng cần những nỗ lực và giải pháp cụ thể để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường. Hiện nay giá nguyên liệu đầu vào một số ngành lĩnh vực vẫn tăng, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, qua đó giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.
Ngày 9/3, chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế và những trọng tâm ngoại giao kinh tế năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu; chủ động nắm bắt cơ hội thị trường, kịp thời phổ biến các quy định mới về thương mại của nước sở tại cho doanh nghiệp và nhà sản xuất; Tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước. |